Bài học về sức mạnh đoàn kết dân tộc từ công cuộc vận động “Tuần Lễ Vàng” và “Cứu đói” năm 1945

 Cách đây gần 76 năm, mùa thu năm 1945 trước những khó khăn cấp bách của tình thế cách mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân tham gia hoạt động “Tuần lễ vàng” và “Cứu đói”, đã được đông đảo nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Sự kiện trên không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những khó khăn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nền kinh tế đất nước gặp muôn vàn khó khăn, tình hình tài chính kiệt quệ, kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản Pháp. Để xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang của mình, ngày 04/9/1945, Chính phủ ra sắc lệnh về xây dựng “Quỹ độc lập” nhằm động viên nhân dân đóng góp của cải để xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ trang bảo vệ chế độ mới.

“Tuần lễ vàng” là một hoạt động lớn được tiến hành trong cả nước nhằm động viên nhân dân quyên góp vàng và tiền ủng hộ chính quyền cách mạng. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư ngỏ gửi tới đồng bào cả nước, trong đó Người viết: “Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sự hi sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận…”

“Tuần lễ vàng” ở Hà Nội được khai mạc vào sáng 17/9 tại thềm Nhà hát Lớn.Các nhà tư sản dân tộc yêu nước là những người đã đóng góp nhiều cho hoạt động này. Có thể kể đến như bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô, người đã chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác ở căn nhà số 48 Hàng Ngang trong những ngày đầu Người mới về Thủ đô) đã đóng góp cho Chính phủ 117 lạng vàng. Một nhà tư sản khác là bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang, đã đóng góp 109 lạng vàng và nhiều nhà tư sản yêu nước khác đã rất tích cực đóng góp cho quốc gia. Trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân cả nước đã đóng góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Cảm kích trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ủng hộ cho Quỹ ĐộcLập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn và ngày đó sau này đã trở thành “ Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

 

Các tầng lớp công thương Hà Nội tại lễ khai mạc

Nguồn : Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  

Cùng với hoạt động “Tuần lễ vàng”, Chính phủ ta đã phát động phong trào “Cứu đói” bằng việc tăng gia sản xuất và mở một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cứ mười ngày một lần, tất cả nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thểvận động tổ chức lạc quyên, “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Truyền thống đồng cam cộng khổ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tinh thần đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta được khơi dậy mạnh mẽ. Ngay từ giữa tháng 9, một lễ phát động phong trào cứu dói do Chính phủ tổ chức tại Nhà hát lớn. Cụ Ngô Tử Hạ- người cao tuổi nhất trong Quốc hội- Chủ tịch buổi lễ, đã long trọng đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Chính cụ đã cầm càng một chiếc xe bò để đi các phố phường, nhân dân ai có chút gạo, ngô đều mang ra đóng góp vào phong trào cứu đói.

Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cộng với những biện pháp tích cực của Chính phủ, nạn đói năm 1945 được đẩy lùi.

 

 

Cụ Ngô Tử Hạ, Hội trưởng Hội cứu tế, kéo chiếc xe quyên góp trong lễ phát động Cứu đói

Nguồn : Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước phải đối diện với rất nhiều khó khăn như một tất yếu của lịch sử, thì một lần nữa tư tưởng “ Nước lấy dân làm gốc” được Chủ tịchHồ Chí Minh vận dụng và đạt được những kết quả to lớn. Thắng lợi của phong trào “Cứu đói” và “Tuần lễ vàng” năm 1945 đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc vận dộng, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh của đoàn kết dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Hiện nay, đất nước ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhân dân cả nước đồng lòng thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ quan chức năng tuyên truyền thành phố đảm bảo lương thực,thực phẩm và các nhu yếu phẩm của người dân trong điều kiện phải thực hiện giãn cách toàn thành phố. Các lực lượng tuyến đầu đang lăn xả cùng nhân dân thực hiện phòng chống dịch. Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, mỗi địa phương, gia đình và người dân cùng đóng góp, giúp đỡ lẫn nhau, sẻ chia lương thực, tiền bạc cho những người gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc từng bước sẽ giành được thắng lợi và ý nghĩa bài học đó ngày nay vẫn còn được nguyên giá trị.

 

                                                                    Bài viết: Trần Thu Phương