ĐƠN TÌNH NGUYỆN NHẬP NGŨ VIẾT BẰNG“MÁU”


Tháng 8 năm 1964, sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã huy động máy bay mở đầu cuộc chiến tranh bằng Không quân và Hải quân phá hoại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa và hợp thức hóa hoạt động quân sự ở miền Nam.

Căm phẫn trước tội ác của giặc Mỹ, thanh niên từ các trường học, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan đến các công xưởng đều thể hiện sự quyết tâm sẵn sàng cho cuộc chiến đấu với quân thù. Ngày 7/8/1964 Ban Thường Vụ Thành Đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung: “Sẵn sàng nhập ngũ; sn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”.

Phong trào“Ba sẵn sàng”đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ thanh niên miền Bắc“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cùng phong trào “Năm xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. Các phong trào thể hiện khí thế, tinh thần náo nức, phơi phới của tuổi trẻ, được thể hiện rõ trong bốn câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật:

“Ta đi hôm nay đã không là sớm

Đất nước hành quân mấy chục năm rồi

Ta đi hôm nay cũng không là muộn

Đất nước còn đánh giặc chưa thôi”

Vì lý tưởng cách mạng, vì một cuộc sống tự do cho dân tộc, với sức trẻ, sự nhiệt huyết, sự quyết tâm, nghị lực cùng ý chí sắt đá và niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hàng nghìn thanh niên đã xếp bút nghiên, gác lại công việc riêng, cùng những ước mơ hoài bão còn dang dở để viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có cả những đơn tình nguyện viết được bằng máu xin được lên đường giết giặc Mỹ cứu nước.

Thể hiện tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, năm ấy cô gái trẻ xứ Đoài Nguyễn Thị Mai vừa tròn tuổi 19, cái tuổi đẹp nhất của thời thanh xuân, chứng kiến cảnh giặc Mỹ điên cuồng tàn phá quê hương, nối tiếp tinh thần quật cường bất khuất đánh giặc của các anh hùng dân tộc, Nguyễn Thị Mai đã “trích máu” viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào tháng 5 năm 1966 gửi Bộ Tổng Tư Lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam qua huyện đội Thạch Thất, xin tình nguyện đi đánh giặc Mỹ cứu nước.

Bức thư viết kín cả một trang giấy, lưu lại nét chữ mềm mại đặc trưng đầy nữ tính nhưng vẫn toát lên tinh thần kiên định, sắt son, dũng cảm của người con gái năm xưa. Trong thư đồng chí Mai xin hứa trước huyện đội và toàn thể nhân dân luôn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó dù phải hi sinh đến đâu. Bức tâm thư còn những dòng chữ mờ mờ lưu lại “…là một người nữ sinh ra vào thời đất nước bị chiến tranh…muốn được chiến đấu… xứng đáng là một người dân của quê hương...”

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua,những dòng chữ nay đã mờ nhưng vẫn để lại sự xúc động cho người xem về một tinh thần sục sôi của tuổi trẻ năm ấy. Thời kỳ mà họ sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để đổi lại sự bình yên cho đất nước “Tinh thần đó mãi tỏa sáng, là tấm gương, là bài học cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Họ nhắc nhở chúng ta là ai và xứ mệnh của chúng ta là gì”.


Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu của đồng chí Nguyễn Thị Mai



Những dòng tâm thư đã mờ qua kính lúp


Lưu Dung