KỶ VẬT CỦA NGƯỜI LÍNH THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo khẽ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm...

 

Từng là một chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị những năm bom đạn ác liệt nhất, không lúc nào ông Lê Xuân Tường không nhớ về chiến trường xưa. Với những người lính sinh viên như ông lúc bấy giờ thì những năm tháng vì nước hiến thân khi tuổi đời còn trẻ sẽ sống mãi với tuổi mười tám, đôi mươi của mình.

Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội là cựu sinh viên- chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972. Với chúng tôi, những người lính- sinh viên thì thành cổ Quảng Trị là khúc dạo đầu bi tráng của Thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nghẹn ngào nhớ đến những người bạn đã nằm lại trên chiến trường Quảng Trị, không có quan tài chỉ được bọc trong tấm tăng võng lạnh lẽo, chôn vội vàng dưới làn bom đạn. Nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống không được toàn thây dưới những trận mưa bom, bão đạn B52 và của đủ các loại pháo dàn, pháo bầy của địch...nó luôn chảy trong chúng tôi bao đời nay vẫn chảy nhưng ở đó có cái thiêng liêng hơn, cao quý hơn vượt lên tất cả để trở thành khúc tráng ca bất diệt”,đó là những cảm xúc đã được ông chia sẻ trong cuốn hồi ký “Ngược dòng ký ức” của mình. Chiến tranh đã rời xa nhưng những ký ức và kỷ vật chiến trường vẫn còn được ông lưu giữ đến tận ngày hôm nay. “Tôi sẽ cho các bạn xem cái balo thủng lỗ chỗ vì mảnh pháo cùng những gì tôi còn giữ lại cho đến bây giờ như hăng- gô, bình tông, xanh- tuya- rông, dao găm...những đồ sau này mới có. Nhưng quý nhất là chiếc ba- lô suốt từ khi nhập ngũ 27/5/1972”. Chiếc balo được giữ gìn rất cẩn thận, đôi chỗ đã bị thủng bởi vết đạn của kẻ thù, tên ông được viết trên nắp balo cũng đã phai mờ theo thời  gian. Cầm chiếc balo trên tay, một phần ký ức thời đạn bom, khói lửa lại ùa về, khi ông bị thương và được điều trị tại trạm phẫu tiền phương của mặt trận cánh Đông thì chiếc balo của ông đã được đồng đội sử dụng lại vì thời kỳ đó anh em thường lấy quân tư trang của những người đi viện để dùng. Khi quay trở lại “tôi nhìn thấy cái balo của tôi ở góc hầm, Trình đang dùng nó...tôi hy vọng những cuốn sách của tôi nhặt được vẫn còn nhưng chẳng còn gì ngoài cái balo vẫn đề tên tôi trên nắp. Đổi cho Trình cái balo mang từ Bắc vào, tôi lấy lại cái balo cũ, với nó tôi cảm nhận tất cả những gì từ khi nhập ngũ”.


Ông Đặng Minh Vệ- Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cùng các cán bộ

sưu tầm tại nhà của cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị- Lê Xuân Tường

 

Chiếc balo kỷ vật chiến trường Quảng Trị của ông Lê Xuân Tường

tặng Bảo tàng Hà Nội

Ông đã quyết định tặng lại toàn bộ kỷ vật chiến trường cho Bảo tàng và những câu chuyện của ông sẽ được chia sẻ trong phần trưng bày thường xuyên để thế hệ trẻ có thể hình dung được “với lòng khát khao một ngày mai chiến thắng trở về lại tiếp tục những gì còn dang dở. Cái chất ấy đã giúp chúng tôi thêm lạc quan để chiến thắng tất cả. Và đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của cả thế hệ sinh viên- chiến sĩ trong những năm tháng hào hùng của dân tộc”.


                                                                          Bài:Phạm Ngọc Quyên

                                                                         Ảnh: Kiều Tuấn Đạt