Chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ A3J bị bắn rơi ở Hà Nội


Vào một ngày hè nắng nóng năm 2020, chúng tôi có dịp về quê hương Phú Thọ, gặp gỡ, sưu tầm kỷ vật của các các cựu chiến binh chiến đấu tại các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Một trong số đó là ông Ngô Văn Dụng (SN 1940), quê ở xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - người thuộc thế hệ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”. Ông đã tận tay chế tác và lưu giữ kỷ vật đặc biệt đó là chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay A3J (RA5C) của Mỹ bị bắn rơi trên phố Lê Trực- Hà Nội năm 1967.

          Ngày 12/4/1963 người thanh niên Ngô Văn Dụng đã lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc khi đó đang học lớp 7. Ông kể với chúng tôi, khi nhập ngũ là chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 600, được đơn vị cho đào tạo hết lớp 10, rồi vào học tại trường Công an Trung ương khóa I (Học viện An ninh nhân dân), sau đó trở thành chiến sĩ công an nhân dân vũ trang, nhiệm vụ chính bảo vệ Đại sứ quán, lãnh sứ quán 12 nước Xã hội Chủ nghĩa tại Hà Nội.

Những năm 1964 - 1965 Mỹ đã tiến hành mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn XHCN cho miền Nam. Ngày 05/8/1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 9/1967, máy bay Mỹ bắt đầu trở lại đánh phá Hà Nội. Trong chiến dịch “Sấm rền” 55 “Sấm rền” 56, giặc Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay trực tiếp đánh vào các mục tiêu trọng điểm như hệ thống giao thông, các kho tàng và cơ sở công nghiệp, cụm dân cư: cầu Long Biên, Nhà máy điện Yên Phụ…nhằm làm tê liệt các hoạt động kinh tế xã hội ở Thủ đô. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội, nay là Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Chiều ngày 19/5/1967, máy bay Mỹ lại tập trung đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ hòng cắt nguồn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Khi đó, ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Công viên Thủ Lệ thì nhận được thông tin trên đài thông báo có máy bay địch đang bay vào Hà Nội. Ngay lập tức, ông và đồng đội vào vị trí chiến đấu Khi đó khoảng 15 giờ, chúng tôi quan sát thấy trên bầu trời có một máy bay trinh sát A3J bất ngờ tấn công nhà máy điện nhưng bị lưới lửa phòng không của các Đại đội Pháo cao xạ bắn trúng khiến máy bay bốc cháy và đứt lìa thành hai phần. Phần đầu của máy bay rơi tại khu vực Nhà máy In Tiến Bộ (phường Kim Mã, quận Ba Đình), phần đuôi rơi ở phố Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình), hai giặc lái đã bị bắt sống. Một tên rơi xuống nóc chuồng gà ở số nhà 71 và tên còn lại rơi xuống ngõ 124 ở cùng phố Thụy Khê. Sau đó, Đại đội 3 chúng tôi nhận nhiệm vụ di chuyển từ Công viên Thủ Lệ về đường Hùng Vương (quận Ba Đình). Trên đường đi, chúng tôi đi qua phố Lê Trực thấy nhiều mảnh vỡ của máy bay địch nằm trên đường liền nhặt về để làm thành các vật dụng cá nhân”. Ông Dụng cùng đồng đội dùng cưa sắt làm thành những chiếc lược, nhẫn, dao găm... giữ làm kỷ niệm. Chiếc lược màu xám bạc, chiều dài 14,5 cm, tạo dáng chiếc máy bay Mỹ, khắc chữ “USA” và số 2300: thể hiện số thứ tự máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Trong những năm tháng chiến đấu, chiếc lược luôn được ông mang theo người và gìn giữ cẩn thận như người bạn đường, người tri kỷ.

 

Hiện trường chiếc máy bay A3J (RA5C) bị bắn rơi tại phố Lê Trực 19/5/1967

Nguồn : Thông tấn xã Việt Nam

Hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời người lính. Ông Dụng nhớ mãi lần ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho Đại sứ quán Romania tại Hà Nội thì nhận được thông báo có máy bay địch bay qua. Khi xuống hố công sự, để bảo đảm việc quan sát, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán, ông không đóng nắp hố. Lúc này, máy bay địch bắn tên lửa vào đại sứ quán khiến đất đá văng tứ tung, rơi cả lên đầu ông. Rất may, trên đầu ông lúc đó đội mũ sắt nên đã an toàn. Đợi máy bay địch đi khỏi, ông mới từ hố công sự chui lên, người bám đầy bụi đất, lục tìm ông vẫn thấy chiếc lược kỷ vật trong túi áo... Đặc biệt kỷ niệm sâu sắc nhất là được gặp Bác Hồ nhân dịp đơn vị tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua năm 1965, ông là một trong những chiến sĩ được vinh danh và gặp Bác Hồ ngày hôm đó.


Chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay A3J (RA5C) của ông Ngô Văn Dụng

  Năm 1984, ông Dụng xuất ngũ với quân hàm thượng úy. Ông cất giữ chiếc lược cẩn thận tại nhà. Tháng 5-2020, cựu chiến binh Ngô Văn Dụng đã tặng chiếc lược cho Bảo tàng Hà Nội với mong muốn lan tỏa phần ký ức của mình đến với công chúng khi đến tham quan Bảo tàng Hà Nội.


Ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận kỷ vật của cựu chiến binh Ngô Văn Dụng

Liên quan đến chiếc máy bay A3J, trong kho cơ sở của Bảo tàng Hà Nội hiện đang lưu giữ 2 hiện vật mảnh xác máy bay A3J bị bắn rơi trên phố Lê Trực có ký hiệu BTHN 8024, BTHN 7973. Chiếc lược, mảnh  xác máy bay A3J và câu chuyện liên quan sẽ được giới thiệu trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội, góp phần kể câu chuyện về một thành phố anh hùng trong lịch sử.


Hiện vật mảnh xác máy bay A3J (RA5C) bị bắn rơi tại phố Lê Trực 19/5/1967 hiện đang lưu trữ trong kho cơ sở của Bảo tàng Hà Nội

 

Th.s Kiều Tuấn Đạt