Ngày hội toàn dân đi bầu cử - Sự tiếp nối của các thế hệ

          Trong ngày bầu cử 23/5, hơn 5 triệu cử tri Hà Nội thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

           Hình ảnh một ngườithanh niên đi cùng cụ ông lớn tuổi, dáng người nhỏ thó, thấp đậm, tóc búi tó bạc phơ, nét mặt hóm hỉnh, tay chống batoong đến bỏ phiếu từ rất sớm khiến nhiều người xúc động. Người đàn ông đó không ai khác chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh(NSNA)Nguyễn Quang Phùng (89 tuổi), cử tri cao tuổi nhất cùng cháu nội là Nguyễn Trung Quân (18 tuổi), cử tri nhỏ tuổi nhất tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.




NSNANguyễn Quang Phùng (89 tuổi) và cháu nội là Nguyễn Trung Quân

(18 tuổi) tham gia bỏ phiếu bầu cử


          NSNA Quang Phùng sinh năm 1932, nhà ở phố Hàng Gai - Hà Nội. Đầu những năm 1950, ông tham gia vào các hội, đoàn học sinh, sinh viên cứu quốc đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp. Năm 21tuổi, vì giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, biết chụp ảnh, biết đánh máy chữ, ông tham gia giúp việc cho Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Việt Nam với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh quân đội Pháp trong hai ngày trước khi quân ta tiếp quản Thủ đô. Chính vì thế, ngày 10/10/1954, ông là một trong số ít người Việt Nam có được những tấm ảnh sống động về đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội. Là một nhà ngoại giao những với niềm đam mê nhiếp ảnh, những bức ảnh của ông không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện kể về Hà Nội với nhiều góc nhìn, có ý nghĩa trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, thanh bình.

          Đáng chú ý, ông dành tình yêu sâu sắc với cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm, hàng cây ven hồ mà theo ông là chứng nhân của đất và người Hà Nội: Chiếc lá vàng cũng là tôi đấy. Còn bọn trẻ là cái tán lá xòe ra như bàn tay kia. Trong bức này thì tôi là người được nâng đỡ. Bức này sau 9 năm tôi mới chụp được và nó là sự hoàn chỉnh của nhiếp ảnh”. Năm 2011, NSNA Quang Phùng cho ra mắt cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, in song ngữ Việt - Anh, tập hợp gần 100 bức ảnh chọn lọc trong mấy ngàn file ảnh về Hồ Gươm - Hà Nội. Cuốn sách còn là nguồn tư liệu độc đáo khi đăng tải một số bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân mà ông chụp từ đầu những năm 1970. Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 đã trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho cuốn sách ảnh này, cũng chính là trao tặng ông phần thưởng xứng đáng vì đã dành trọn tình yêu cho Hà Nội.

          NSNA Quang Phùng ví mình giờ như chiếc lá vàng, điều đó không sai, vì năm nay ông đã 89 tuổi, tuổi xưa nay hiếm. “Tôi đã trải qua nhiều cuộc bầu cử trong cuộc đời, nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt. Tôi không biết mình còn tham gia được cuộc bầu cử tiếp theo hay không nhưng có lẽ đây cũng là cái phúc của gia đình. Tôi rất vui vìđúng ngày hôm nay, cháu trai tôitròn 18 tuổi 1 ngày, lần đầu tiên tham gia bầu cử cùng người ông lớn tuổi này. Hai thế hệ trong một gia đình, một là đại diện lớn tuổi nhất, một là đại diện trẻ tuổi nhất. Âu cũng là tre già, măng mọc, là sự tiếp nối liên tục của thế hệ. Ngày nó còn nhỏ, tôi cứ vừa bế nó, vừa chụp ảnh, bây giờ nó cũng có niềm đam mê nhiếp ảnh giống như tôi…” ông vừa nói, vừa nở nụ cười hóm hỉnh của người nghệ sĩ đầy chiêm nghiệm. Cháu trai của ông, chàng thanh niên 18 tuổi, lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầucửvới rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ “lần bầu cử đầu tiên này đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong cuộc đời của e. E thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn, có bản lĩnh hơn để trở thành một công dân thủ đô ưu tú như ông của mình”.



Nhóm cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hà Nội phỏng vấn NSNA Quang Phùng


Với ngày hội toàn dân đi bầu cử, NSNA Quang Phùng và cháu trai cũng như bao cử tri khác đều quan tâm đến việc “lựa chọn, ứng cử viên có đức, có tàimà mình tin tưởng nhất, xứng đáng nhất, nói lên tiếng nói xây dựng cho thủ đô, cho đất nước”.Mỗi cuộc bầu cử diễn ra là ngày hội non sông nhưngcũng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời mỗi con người, sự trưởng thành của thế hệ thanh niên và sự từng trải của thế hệ đi trước, cứ tiếp nối nhau trong dòng chảy của thời gian, của lịch sử:“Mỗi lần đi qua, mỗi mùa đi qua lại thấy có nhiều thay đổi. Vẫn cái cây ấy, nhưng lá đã khác, lá già rơi xuống, lá mới mọc lên”…

          Sau khi hoàn thành quyền và nghĩa vụ bầu cử, NSNA Nguyễn Quang Phùng và cháu Nguyễn Trung Quân đã tặng thẻ cử tri của mình cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, bảo quản và trưng bày.





Bài viết: Phạm Ngọc Quyên

                                                                                Ảnh: Tuấn Đạt, Nguyễn Hương