BẢO TÀNG HÀ NỘI TIẾP NHẬN HIỆN VẬT ĐẦU MÁY HƠI NƯỚC SỐ HIỆU 141-179 C

Sáng ngày 27/08/2020 tại trụ sởTổng Công ty Đường sắt Việt Nam, 118 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết Biên bản hợp tác và bàn giao đầu máy hơi nước số hiệu 141-179 giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội. Tham dự buổi lễ ký kết có ông Tô Văn Động-Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Nguyễn Tiến Đà-Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; ông Nguyễn Kỳ Anh- Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA Bảo tàng Hà Nội. Về phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ông Đặng Sỹ Mạnh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ông Hoàng Năng Khang – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.



Ký kết Biên bản hợp tác và bàn giao đầu máy hơi nước số hiệu 141-179 giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội.

Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước số hiệu 141-179 (đầu máy tự lực) là một trong 3 đầu xe lửa hơi nước thuộc dòng Mikado được các kỹ sư Xí nghiệp đầu máy xe lửa Gia Lâm nghiên cứu thiết kế và sản xuất sau năm 1964, có sự hỗ trợ của các kỹ sư đầu máy xe lửa Trung Quốc. Đây là loại đầu máy được thiết kế chạy trên đường ray 1m. Tổng số đầu máy loại này được sản xuất khoảng 50 chiếc, chủ yếu được sử dụng vận chuyển hàng hóa ở khu vực phía Bắc nước ta. Cho đến thời điểm hiện nay, loại đầu máy này ở nước ta chỉ còn khoảng 2-3 chiếc. Kích thước hiện tại của đầu máy: dài khoảng 19m (bao gồm cả xe than), 11,5m (không bao gồm xe than) ; rộng 2,75m, cao 3,8m. Trọng lượng: khoảng 100 tấn (có than và có nước), khoảng 70 tấn (không có than và không có nước. Hiện nay, Đầu máy này không còn khai thác và sử dụng trong giao thông vận tải đường sắt, tuy nhiên hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa rất lớn,thể hiện sự phát triển của ngành đường sắt sau khi đất nước ta giành được độc lập. Là minh chứng về những thành tựu lớn lao của nước ta sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.



Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước số hiệu 141-179, hiện đang lưu giữ

 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Văn Động –Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh đến tính cấp thiết trong công tác sưu tầm hiện vật để hoàn thiện thiết kế, trưng bày của Bảo tàng Hà Nội: “Việc đưa đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước trưng bày tại Bảo tàng là một vinh dự với Thủ đô nói chung và ngành văn hóa, thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn giữa các bộ ngành trong nhiều năm để được thành công như ngày hôm nay”

.

Ông Tô Văn Động- Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận

Ông Nguyễn Tiến Đà-Giám đốc Bảo tàng Hà Nội phát biểu: “Hiện vật là một trong những điểm nhấn trong lộ trình tham quan trong khuôn viên bảo tàng, mong muốn tiếp tục nhận được hợp tác, giúp đỡ của tổng công ty trong thời gian tới trong việc bảo quản, trưng bày phát huy giá trị hiện vật...”

Ngoài đầu máy số hiệu 141-179, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn đóng góp các hiện vật liên quan khác như: toa tầu, ray, tà vẹt, đèn báo hiệu, ghi gác chắn, ghi tầu, đèn - cờ hướng dẫn tầu vào ga… để phục vụ tốt nhất công tác trưng bày, tái tạo làm cho hiện vật sống lại với thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo kế hoạch, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước số hiệu 141-179, toa xe  và các hiện vật liên quan khác sẽ được đưa về Bảo tàng cuối năm nay. Đồng thời phối hợp với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiến hành bảo quản, chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết bị và nội dung trưng bày,kết hợp với những giải pháp công nghệ: tái tạo, đồ họa, audio, video trình chiếu hướng tới mở cửa phục vụ khách tham quan vào cuối năm 2021.

                                                          Bài, ảnh: Kiều Tuấn Đạt