BẢO VẬT QUỐC GIA Ở BẢO TÀNG HÀ NỘI

Bảo vật quốc gia là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định... được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia.

          Hiện nay, ở Bảo tàng Hà Nội có bốn nhóm hiện vật (tổng cộng 24 hiện vật) được công nhận là Bảo vật Quốc gia qua hai đợt theo các Quyết định số 53/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 01 năm 2015; Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia như sau:

1.     Trống đồng và bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa: Thuộc Văn hóa Đông Sơn.


Mặt đứng 1Trống đồng Cổ Loa (BTHN 9314)

 

 

Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng Đông Sơn trong trống được phát hiện ở khu đồng Mả Tre, xóm Chợ, xã Cổ Loa, nằm ở phía Tây Nam Cửa Nam thành Cổ Loa, lọt giữa 2 vòng Thành Trung và Thành Nội. Ngày 14/7/1982, UBND xã Cổ Loa đã bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ và trưng bày phát huy tác dụng.

Trống còn nguyên vẹn, kích thước: dài 58,5 cm; rộng 74 cm và cao 89,5 cm; nặng 72kg. Mặt trống không chờm khỏi tang, tang phình, thân thẳng hình trụ, chân choãi. Giữa mặt có ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh là họa tiết lông công. Lấy ngôi sao làm trung tâm, từ trong ra ngoài có 13 vòng hoa văn. Tang trống cũng trang trí hoa văn hình học như mặt trống gồm: Vạch ngắn song song, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, chấm nổi. Vành hoa văn chủ đạo trên tang trống là hình 6 chiếc thuyền, một mái chèo, bố trí theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Thân trống chia làm 8 ô hình chữ nhật, trong mỗi ô trang trí 1 người hóa trang tay cầm giáo, trên thân trống trang trí hình thuyền, người cầm vũ khí và hoa văn hình học (2 ô nơi giáp khuôn không trang trí). Chân trống không trang trí hoa văn. Mặt trong của trống, cách mép chân trống 6cm có khắc 1 hàng chữ Hán. Giữa tang và thân trống có 4 đôi quai kép trang trí văn thừng bện. Trống có 9 hàng con kê ở mặt và thân trống.

Lưỡi cày đồng là một trong những di vật tiêu biểu và độc đáo của văn hóa Đông Sơn. Sự có mặt của lưỡi cày đồng với số lượng nhiều ở trong lòng trống Cổ Loa là một minh chứng chắc chắn cho việc người Hà Nội xưa đã biết cày ruộng và có thể đã biết sử dụng động vật để kéo cày.

2.     Chuông Thanh Mai: Niên đại năm 798.

 

Chuông Thanh Mai được người dân phát hiện ngẫu nhiên ở Bãi Rồng, xóm Phú An, thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội năm 1986.

           Quả chuông là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam được công nhận năm 2006 với danh hiệu: Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố.

          Dòng lạc khoản khắc trên chuông cho biết quả chuông được đúc vào ngày 20 tháng 3 (Âm lịch) năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798).

Chuông Thanh Mai được chia làm 4 khoang, mỗi khoang cắt hai ô. Phân cách các ô là ba đường gờ nổi, trong lòng các ô khắc chữ Hán cổ, có 4 núm chuông. Đỉnh chuông có trang trí hoa văn vòng tròn chấm giữa và cánh sen kép và băng nhũ đinh. Quai hai đầu rồng đấu nhau thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và đúc đồng thời bấy giờ.

Trên chuông có khắc bài minh văn trong 8 ô với gần 1530 chữ Hán, là nguồn sử liệu chân thực, có ý nghĩa đặc biệt cho việc nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ VIII. Ngoài ra, minh văn còn cho biết nhiều địa danh hành chính, một số chức danh quan lại và thông tin về đơn vị đo lường của người Việt thời bấy giờ.

3.     Chân đèn gốm thời Mạc: Niên đại Niên hiệu Diên Thành 5 (1582).


Mặt đứng 1 chân đèn gốm men lam xám 

Có minh văn của Đặng Huyền Thông (BTHN 4444)

 

Mặt đứng chân đèn gốm men lam xám

Có minh văn của Đặng Huyền Thông (BTHN 4444)

 

Cây đèn gốm được sử dụng loại men riêng biệt của dòng gốm Đặng Huyền Thông. Chân đèn gồm hai phần riệng biệt.

Phần trên hình trụ tròn hơi choãi đầu phía dưới, miệng loe, hoa văn in dán nổi đề tài rồng trong ô tròn, mặt rồng, cánh hoa sen và lá đề cách điệu. Men phủ màu xanh lam hơi sẫm, phủ không đều.

Phần dưới: Chân choãi, rộng, bụng thắt nhỏ, ngực nở, miệng nhỏ, cao , có gờ để đặt phần trên. Thân chia làm bốn khoang trang trí rõ rệt, ngang vai chân đèn đắp viết nổi dòng chữ Hán: “Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình”

4.     Long đình gốm Bát tràng: Niên đại Thế kỷ XVII

 

Long đình là một loại gốm thờ đặc biệt, có kích thước lớn, có ý nghĩa trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Là sản phẩm độc đáo, duy nhất còn lại đến nay do làng thủ công gốm Bát Tràng làm.

Long đình có men trắng rạn vẽ lam, trang trí hoa văn nối cạnh là màu hồng, núm hình quả đào.

Quản lý và phát huy tác dụng Bảo vật Quốc Gia:

Từ năm 2015 đến nay các bảo vật quốc gia đã nhiều lần được đưa ra trưng bày phục vụ công chúng:

1.Trưng bày bảo vật quốc gia sau khi được công nhận từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 11 năm 2017.

2. Trưng bày chuyên đề: Bảo vật quốc gia – Thăng Long Hà Nội – chào mừng kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2017, từ tháng 11 năm 2017 đến ngày 25/8/2018.

3. Trưng bày: Bảo vật quốc gia từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 7 năm 2018

4. Trưng bày chuyên đề ảnh: Di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội tại Cột cờ Hà Nội ở Cà Mau. Trong đó nòng cốt là di sản Bảo vật Quốc gia của Hà Nội

Trong thiết kế trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội các Bảo vật quốc gia trên cũng được lựa chọn là điểm nhấn nội dung trưng bày, có yếu tố nhận diện riêng để công chúng dễ nhận biết và tham quan.

Ngoài ra, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xuất bản một số ấn phẩm viết về bảo vật quốc gia của Hà Nội nhằm tuyên truyền, giới thiệu bảo vật quốc gia đến công chúng

Trong công tác bảo quản, Bảo vật quốc gia được Bảo tàng Hà Nội bố trí kho bảo quản đặc biệt có môi trường bảo quản, trang thiết bị bảo quản tốt nhất, mời các chuyên gia bảo quản đầu ngành về các chất liệu hiện vật để có các giải pháp bảo quản tốt nhất cho nhóm Bảo vật quốc gia này.


Lê Thị Kim Tước