Hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022

Hội đồng quốc tế về bảo tàng (ICOM) được thành lập vào năm 1946, theo sáng kiến của Chauncey J.Hamlinn- Chủ tịch Hiệp hội các bảo tàng Mỹ. ICOM là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, kinh phí của ICOM chủ yếu đóng góp bởi các thành viên và sự ủng hộ của các chính phủ, cơ quan khác. Trụ sở của Ban thư ký và Trung tâm Thông tin của ICOM đặt tại tòa nhà Unesco ở Paris (Pháp). Hiện nay ICOM với sự tham gia của 141 quốc gia, hơn 40 nghìn thành viên đã tham gia vào các hoạt động của các tổ chức ở quốc gia, khu vực và quốc tế như: hội thảo, ấn phẩm, đào tạo, các chương trình liên kết và thúc đẩy bảo tàng thông qua ngày Quốc tế bảo tàng (18/5) hàng năm. Các thành viên ICOM còn tham gia 116 ủy ban quốc gia, 29 ủy ban quốc tế, liên kết hoạt động với 15 hiệp hội quốc tế. ICOM có 5 mục tiêu chủ yếu sau:

- Khuyến khích và ủng hộ việc thiết lập, phát triển và quản lý cán bộ của các bảo tàng thuộc tất cả các loại hình.

- Nâng cao kiến thức và sự hiểu biết về tự nhiên, chức năng và vai trò của bảo tàng trong việc phục vụ xã hội và phát triển của ICOM.

- Tổ chức sự hợp tác và trợ giúp đa phương giữa bảo tàng và các cán bộ bảo tàng làm việc ở các quốc gia khác nhau.

- Thay mặt, ủng hộ và thúc đẩy các quyền lợi của cán bộ bảo tàng.

- Thúc đẩy và phổ biến kiến thức về bảo tàng học và các quy định khác liên quan đến việc quản lý và hoạt động bảo tàng. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich- Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi Tọa đàm kỷ niệm ngày quốc tế bảo tàng 18/5/2022

Việt Nam tham gia ICOM bắt đầu từ tháng 12/2001 với 5 đại diện đầu tiên là: Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng địa chất Việt Nam và Bảo tàng Hải dương học. Hội đồng các bảo tàng Việt Nam đươc thành lập theo Quyết định số 20/2002/QĐ-BVHTT ngày 07/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin. Từ đó đến nay ICOM Việt Nam đã phát triển với 13 thành viên là các tổ chức, bảo tàng và 02 thành viên cá nhân. 

Bảo tàng Hà Nội tham gia ICOM năm 2016. Hàng năm hưởng ứng các chủ đề ICOM, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức các chương trình như: Tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật; tọa đàm với chủ đề: “Nhiếp ảnh với bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội”; tổ chức phát động sưu tầm, vận động hiến tặng hiện vật; phối hợp với các trường học tổ chức các chương trình trải nghiệm, giao lưu... Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022, Bảo tàng Hà Nội đã tích cực tham gia các hoạt động của ICOM Việt Nam như: Khảo sát công tác ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Nhà trưng bày Viettel , Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long và Tọa đàm kỷ niệm ngày quốc tế bảo tàng 18/5/2022. 

Khảo sát công nghệ ứng dụng trưng bày và phục dựng hiện vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Khảo sát ứng dụng công nghệ trưng bày trong Nhà trưng bày Viettel

Khảo sát, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Chương trình trải nghiệm tour đêm “ Giải mã Hoàng thành Thăng Long”

Với chủ đề “Sức mạnh của Bảo tàng” (The Power of Museums), ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022 là dịp để tái khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Là những nơi khám phá có một không hai, chúng dạy chúng ta về quá khứ và mở mang đầu óc cho chúng ta những ý tưởng mới - hai bước thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Vào dịp Quốc tế bảo tàng 18/5/2022, ICOM khuyến khích phát huy tiềm năng của các bảo tàng trong việc mạng lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua những thế mạnh của bảo tàng như sau:

Sức mạnh của việc đạt được sự bền vững: Các bảo tàng là đối tác chiến lược trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Với tư cách là những tác nhân chính trong cộng đồng địa phương, bảo tàng đóng góp vào nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế xã hội cũng như phổ biến thông tin khoa học về các thách thức môi trường.

Sức mạnh của đổi mới về ứng dụng công nghệ số và khả năng tiếp cận: các bảo tàng đã trở thành sân chơi sáng tạo, nơi các công nghệ mới có thể được phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đổi mới kỹ thuật số có thể làm cho các bảo tàng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn, giúp khách tham quan hiểu các khái niệm phức tạp và nhiều cảm xúc.

Sức mạnh của việc xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục: Thông qua các bộ sưu tập và chương trình giáo dục, các bảo tàng tạo nên sự gắn kết xã hội rất cần thiết trong việc xây dựng cộng đồng. Bằng cách đề cao các giá trị dân chủ và cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, họ góp phần hình thành một xã hội dân sự có thông tin và gắn kết.

 

                                                                    Phòng Trưng bày - Tuyên truyền