NGHỀ GIẤY DÓ CỦA LÀNG YÊN THÁI XƯA


Ai ơi đứng lại mà trông

Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa

Kìa giấy Yên Thái như kia

Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh

                                     (Ca dao)

Làng Yên Thái từ thế kỷ 15 đã vang danh khắp chốn với nghề làm giấy dó truyền thống như một niềm tự hào của người dân Kẻ Bưởi. Có lẽ vì làng Yên Thái nằm ở vị trí sát hồ Tây nên tiếng chày giã vỏ dó càng trở nên vang dội hơn vào mỗi buổi đêm về sáng. Và có lẽ cũng bởi vậy mà làng Yên Thái với nghề làm giấy dó đi vào thơ ca với tần suất hơn hẳn các làng khác trong vùng Bưởi:

 Mịt mù khói tỏa ngàn sương

 Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

                                      (Ca dao)

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co

                                                       (Nguyễn Huy Lượng – Tụng Tây Hồ Phú)

Bên cạnh làng Yên Thái, Kẻ Bưởi xưa có năm làng chuyên nghề làm giấy dó. Mỗi làng sản xuất một vài loại giấykhác nhau: Yên Hòa cung cấp giấy làm quạt; Hồ Khẩu làm giấy gói hàng, làm đồ chơi, vàng mã; Đông Xã làm giấy quỳ để dát vàng; Yên Thái làm giấy in sách, giấy lĩnh chép ngọc phả, kinh Phật, giấy lệnh cho triều đình; Nghĩa Đô làm giấy sắc phong.

Trải qua thời gian cùng với bao biến thiên của lịch sử, cả một vùng làng nghề rộng lớn ở phía Tây thành Thăng Long xưa giờ đây chỉ còn là dĩ vãng. Nghề làm giấy dó ngày nay đã mai một, tri thức nghề nghiệp cũng chỉ còn trong tư liệu và trí nhớ của những bậc cao niên trong làng.     

          Để làm ra được một tờ giấy dó, những người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất tỉ mỉ, tuy không quá phức tạp, tinh xảo nhưng đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh, sự dẻo dai của người đàn ông và sự khéo léo của người phụ nữ. Nguyên liệu để làm giấy dó chính là vỏ của cây dó - loại cây cao từ 1 - 2m mọc tự nhiên thành rừng ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái. Người dân trong làng thường lên đó thu mua vỏ dó rồi đóng thành từng bè xuôi theo dòng chảy sông Hồng và tập kết ở bến Xù Gạ (gần bến Chèm, quận Bắc Từ Liêm, ngày nay tên địa danh vẫn vậy), dùng xe bò tay kéo về làng.

(2)Vỏ dó, nguyên liệu chính để làm giấy dó

Sau khi có được nguyên liệu tốt, hàng loạt các công đoạn sản xuất được thực hiện liên tục, nối tiếp nhau như: 1/ngâm vỏ dó xuống ao cho mềm; 2/ủ vôi tảng và hấp cách thủy trên vạc trong lò nung; 3/phân loại sợi dó; 4/giã cho nhuyễn; 5/đãi bột; 6/xeo giấy; 7/ép giấy; 8/phơi, sấy khô và xếp thành từng chồng.

Có lẽ công đoạn nặng nhọc nhất để làm ra những tờ giấy thanh tân phục vụ nhu cầu của người dân thời đó chính là công đoạn “vỡ bìa” - giã vỏ dó. “Giã nay rồi lại giã mai, đôi chân tê mỏi dó ơi vì mày”, những người đàn ông trong làng nghề đảm nhiệm công đoạn vất vả này. Công cụ được sử dụng là những chiếc cối đá thành dày, miệng nhỏ, đường kính 80cm, cao từ 80 - 90 cm. Nếu sử dụng chày lận chân thì cối được chôn dưới lòng đất chỉ để hở một chút miệng. Cần ít nhất là 2 người đàn ông đứng lận chân mới nhấc được chày. Đối với cối sử dụng chày tay, phần cối đá được đặt nổi trên mặt đất và hai người đàn ông sử dụng chày tay giã nhịp nhàng, ăn ý. Họ thường bắt đầu ngày làm việc từ 3h sáng để giã sao cho những cối vỏ dó nhỏ nhuyễn thành bột.   


Giã vỏ gió, công đoạn nặng nhọc nhất trong nghề, do đàn ông đảm nhiệm.

Những cối bột được đựng vào rá to đưa ra sông Tô Lịch đãi, loại bỏ những mảnh vỏ đen giữ lại thứ bột trắng tinh khôi nhất. Bột giấy được đổ vào tàu xeo, người thợ sử dụng đòn đánh bột - làm từ ngọn tre uốn cong để khuấy cho bột giấy hòa tan vào nước cộng thêm chất phụ gia là nhớt của cây mò để tạo độ kết dính. Nhờ có chất nhớt từ nhựa cây mò giúp cho các tờ giấy khi bóc khỏi bàn xeo, dù còn ướt nhưng để chồng lên nhau vẫn không bị dính với nhau.


Đòn đánh bột và chổi thông can giấy lên thành lò sấy cho khô nỏ

          Xeo giấy có thể coi là công đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công của một tờ giấy dó. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay do những người phụ nữ đảm nhận. Những người phụ nữ làng Yên Thái phải đứng bên tàu xeo làm việc miệt mài trong nhiều giờ đồng hồ, đôi tay ngâm trong bể nước bất kể trời mùa đông giá buốt đến đâu. Bởi vậy có câu ca dao nói nên sự vất vả của công việc xeo giấy: “Xeo đêm rồi lại xeo ngày, Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi”. Tuy vất vả cực nhọc là vậy nhưng những người phụ nữ làng Bưởi vẫn luôn tự hào về nghề nghiệp của mình: “Người ta buôn vạn bán ngang; Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi; Dám xin ai đó chớ cười; Em đây làm giấy cho người đề thơ”


Khung và mành trúc để xeo giấy, công đoạn đòi hỏi sự khéo léo

 do phụ nữ thực hiện là chính

          Những chồng giấy sau khi xeo còn ướt được đưa đi ép cho kiệt nước. Công đoạn tưởng chừng như đơn gian này lại đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm làm nghề. Người làng Yên Thái lợi dụng những gốc cây to trong làng để ép giấy. Họ đục vào thân cây để làm điểm tựa cho cây gỗ, đặt các chồng giấy ướt phía dưới. Bằng kinh nghiệm lâu năm họ xếp đá tảng lên từ từ để tăng sức nặng sao cho chồng giấy không bị rách, vỡ. Công đoạn này chiếm khá nhiều thời gian, mất tới 6-7h. Ngày nay gốc cây cổ thụ trong làng vẫn còn xanh tốt với những dấu vết ép giấy khi xưa như một minh chứng sống động cho thời hoàng kim của làng nghề.

Dân làng Yên Thái sử dụng chính những gốc cây to trong làng để ép giấy

          Làng Yên Thái nói riêng, Kẻ Bưởi nói chung từ 1 vùng làng nghề rộng lớn này đã trở thành phố phường chật hẹp, nghề làm giấy cũng không còn nữa. Nhưng trong làng vẫn còn lưu giữ được miếu thờ tổ nghề Thái Luân và một vị tổ nghề người Việt không rõ họ tên đã có công truyền dạy nghề giấy cho dân chúng và lấy ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của nghề làm giấy dó ở Kẻ Bưởi. Công nghệ sản xuất giấy hiện đại kết hợp với kỹ thuật in ấn đổi mới khiến cho nghề giấy vùng Bưởi không đủ sức cạnh tranh. Sông Tô Lịch đoạn chảy qua làng Bưởi bị lấp, nguồn nước sạch ngày một khan hiếm, cũng khiến cho nghề giấy vùng Bưởi ngày càng mai một. Năm 1986 nhà nước chủ trưởng xóa bỏ chế độ bao tiêu sản phẩm, người dân làng nghề tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình nên sản xuất bắt đầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi.  Để thích ứng với tình hình xã hội các hợp tác xã chuyển sang sản xuất mặt hàng giấy in ronêô, bìa giấy trên cơ sở tận dụng các giấy lề, giấy thải. Năm 1993 chủ trương giải thể hợp tác xã, nghề giấy vùng này mai một và biến mất hoàn toàn.

Bài: Phạm Biển

 

Chú thích:

Ảnh (1), (9): Nguyễn Thị Huệ

Ảnh (2), (5), (6), (7), (8): Hiện vật Bảo tàng Hà Nội sưu tầm của Hợp tác xã giấy Cộng Lực năm 2003

Ảnh (3) © Viện Thông tin khoa học xã hội

Ảnh (4) © Viện Viễn đông bác cổ Pháp

Ảnh (10) © Bảo tàng Quai Branly