TRỐNG - CHẬU PHÚ CƯỜNG


Trống - chậu được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình công nhân đào đắp đê tại xã Phú Cường (Ba Vì) vào tháng 3 năm 1960. Với tổng số ba hiện vật đơn lẻ, gồm hai trống chậu và một âu đồng. Gần 20 năm sau ngày phát hiện, ngày 16 tháng 4 năm 1979, Ty văn hóa Hà Sơn Bình đã bàn giao cho bảo tàng Hà Tây lưu giữ, nay là Bảo tàng Hà Nội. Trong số hiện vật đó, đặc biệt nhất là hiện vật trống - chậu có đôi cá “song ngư” trong lòng chậu.

Trống - chậu được làm bằng đồng, có kích thước khá lớn: ĐK miệng 44cm; ĐK đáy 30cm; cao 15,3cm và có trọng lượng 3,9kg. Phần vành miệng của chậu đã bị vỡ một phần nay đã được tu sửa lại theo hình dáng ban đầu. Theo giám định của chuyên gia, trống - chậu có niên đại thế kỷ 1-3. Trống - chậu là hiện vật khá đặc biệt có lẽ bởi chính tên gọi, hình dáng, họa tiết hoa văn và công năng của hiện vật.

Khi đặt úp, trống - chậu có dáng giống một chiếc trống đồng. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 8 cánh, tiếp đến là hai vòng gờ nổi bao quanh ngôi sao. Kể từ tâm trống ra ngoài có hai băng hoa văn lông công cách điệu được phân cách bởi một đường gờ nổi chạy quanh mặt trống, nhưng do phần mặt trống đã bị rỉ nên họa tiết trang trí đã bị mờ. Mặt ngoài thành trống - chậu, phần trên cùng hơi thắt, có một đường chỉ chìm chạy quanh thân và có hai mấu nhỏ 1,5cm cân xứng hai bên. Điểm nhấn của thành trống là băng hoa văn lông công cách điệu, giữa thành có 3 đường chỉ nổi chạy quanh chia thành chậu. Phần giáp miệng để trơn, không trang trí.

Trống - chậu khi đặt ngửa có dáng một chiếc chậu, đáy cong lồi, thành cong, vành miệng bẻ ngả ra ngoài. Thành trong để trơn, không trang trí. Đặc biệt trong lòng chậu có in nổi đôi cá “song ngư”. Đôi cá đang trong tư thế bơi cùng chầu về trung tâm chậu. Cá được tạo hình khá đơn giản bằng kĩ thuật đúc nổi: Có râu, mắt tròn, mang, vẩy và vây, phần đuôi đã bị mờ. Trong văn hóa dân gian cá mang ý nghĩa biểu trưng, gắn với nguồn nước và sự no đủ. Theo quan niệm ở phương Đông cá là con vật báo điềm lành, nhiều loài cá sống lâu vì vậy cá còn được gắn với biểu tượng của sự trường thọ. Cá trong chữ Hán gọi là “ngư” đồng âm với “dư” trong dư dả, do vậy cá biểu trưng cho sự dư dả. Trong đó tạo hình “song ngư” còn mang biểu tượng cho hạnh phúc, sum vầy, niềm vui …bởi vậy mà trong các tạo hình trang trí, “song ngư” luôn được mọi người yêu thích. Có thể thời xưa trống - chậu là vật được dùng trong các nghi lễ/sự kiện quan trọng? hoặc được chọn hay là lễ vật tặng cho các đôi uyên ương trong ngày song hỉ?

Trống - chậu qua hơn nửa thế kỷ kể từ khi được phát hiện, nay đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Hà Nội. Hiện vật được bảo quản định kỳ và là hiện vật tiêu biểu đặc sắc trong nhóm hiện vật được chọn ra trưng bày để giới thiệu đến công chúng. 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHO BÀI VIẾT

 

 


Chi tiết trang trí mặt ngoài trống chậu

 



 

Đôi cá trong lòng chậu

 

Lưu Dung