BÁC HỒ VỚI TẾT TRỒNG CÂY
Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động vào mùa xuân Kỷ Hợi 1959 đã trải qua hơn 60 năm và được nhân dân trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng rất tích cực. Hàng năm cứ đến dịp Tết đến xuân về nhân dân và chính quyền khắp nơi tổ chức Tết trồng cây theo di nguyện của Bác.
Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân số 2082. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Ngày 09/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở Đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.
Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.
Lúc sinh thời Bác không chỉ có nhiều bài báo, bài viết nói về việc trồng cây mà chính Người đã có những hành động cụ thể nêu gương cho mọi người làm theo. Năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác Hồ cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Ngày 03/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất mở đầu Tết Trồng cây do Người phát động (11/1/1960).
Đặc biệt, sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thiếu tướng Phạm Kiệt. Hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, xã Vật Lại và đông đảo nhân dân vui mừng được gặp Bác và chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Đồng bào xã Vật Lại ai nấy đều vui mừng phấn khởi vì được gặp Bác. Sau đó, Bác cùng các đồng chí, đồng bào xã Vật Lại trồng cây đa mở đầu cho Tết trồng cây lần thứ 10 và cũng là lần cuối cùng của Bác.
Bác Hồ trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì ngày 16/2/1969 (tức ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu).
Sau khi trồng cây xong Bác đã dùng ô doa để tưới nước cho cây. Bác dặn dò nhân dân phải chăm sóc thật tốt, không để cây chết hay còi cọc và dặn không được làm bia khắc quá to, việc ấy chưa cần thiết, để tiền làm việc khác cho nhân dân. Bác đã lưu lại và trò chuyện cùng nhân dân xã Vật Lại rất lâu nên đồi Đồng Váng sau này còn được gọi là “Đồi cây đón Bác”.
Chiếc ô doa năm xưa Bác dùng nay đang được Bảo tàng Hà Nội trưng bày, lưu giữ và bảo quản. Chiếc ô doa này là kỷ vật của Bác với đồng bào huyện Ba Vì nói riêng và đại diện cho nhiều hiện vật cùng thời mà Bác và nhân dân ta dùng để chăm sóc cây trồng, phủ xanh đồi trọc, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.
Từ năm 2004, đồi Đồng Váng được quy hoạch thành một khu di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, là một địa điểm giáo dục truyền thống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
Mặc dù, Bác Hồ kính yêu đã đi xa hơn 50 mùa xuân, nhưng phong trào Tết trồng cây do Bác phát động đã trở thành một mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân ta. Cây đa năm xưa Bác trồng giờ đã cao to, xanh tốt, phủ tán rộng với 9 nhánh xòe đều ra các hướng mà theo người dân Vật Lại gọi là dáng "cửu long", tỏa bóng mát quanh năm.
Hải Âu- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền