MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG Ở BẢO TÀNG HÀ NỘI

Mỹ thuật là một trong những bộ môn nghệ thuật được phát triển sớm nhất, được khởi nguyên từ thời tiền sử và sơ sử, luôn bám sát tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều đó được chứng minh qua những di sản văn hóa còn lại như những bức chạm khắc trên vách đá hang Đồng Nội cách ngày nay trên 10.000 năm thuộc nền văn hóa Hòa Bình, đến những tác phẩm chạm khắc trên mặt trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn (đặc biệt là trống đồng Ngọc lũ) cách ngày nay 2500 -2000 năm. Tiếp đó là những kiến trúc, tượng gỗ và những phù điêu ở đình, chùa, đền miếu ở các làng xã Việt Nam, các lăng tẩm ở cố đô, các nhóm tượng nhà mồ Tây Nguyên, các tượng đá và phù điêu trong kiến trúc Chăm…Đó còn là những dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh dân gian và tranh ghép gốm sứ sắc màu ở Huế. Những vốn nghệ thuật tạo hình cổ đó là nguồn nuôi dưỡng tinh thần và sức sáng tạo to lớn cho các thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này. 

Tôi đã tự đặt câu hỏi “Không biết với những vốn cổ quý báu của dân tộc ấy đã được các nghệ sĩ giữ gìn và phát triển ra sao để đem đến một diện mạo hoàn toàn mới cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại?”. Cùng ngược dòng lịch sử chúng ta trở về với thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ đã chi phối cả về Kinh tế - Chính trị - Văn hoá - Xã hội Việt Nam, có nhiều nơi phải chịu sự ảnh hưởng trực tiếp đặc biệt là các đô thị lớn Hà Nội, Sài Gòn…song ở các làng quê mỹ thuật truyền thống vẫn giữ được bản sắc phát triển theo con đường cũ. Bước tiến mới về Mỹ nghệ - Mỹ thuật ở buổi giao thời về đào tạo mỹ nghệ là Pháp đã nhận ra “bàn tay vàng” của các nghệ nhân Việt Nam do đó họ liền tổ chức các cuộc triển lãm gọi là “đấu xảo” như cuộc triển lãm Hà Nội (1887); Quốc tế (1888 – 1889); Paris (1990)…Từ kết quả đã đạt được qua các cuộc triển lãm chính quyền thuộc địa mở ra một số trường dạy nghề thực hành thủ công mỹ nghệ cho các học sinh và thợ thủ công bản xứ như trường dạy điêu khắc và làm đồ gỗ ở Thủ Dầu Một (1901); trường dạy nghề gốm và đúc đồng ở Biên Hoà (1903); và trường vẽ Gia Định (1913), song nhu cầu có một ngôi trường mỹ thuật theo mô hình “châu Âu”  đã ngày càng trở nên cấp thiết. Sự kiện góp phần vào sự phát triển rực rỡ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam là trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925. Từ mái trường này đã hình thành một thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc tiếp thu kỹ thuật và chất liệu tạo hình của phương Tây, đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, vừa có tính dân tộc vừa có tính hiện đại, mở ra thời kỳ mới cho nền mỹ thuật Việt Nam. Bước vào thời cận hiện đại nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam có những chuyển biến toàn diện và sâu sắc về chính trị, kinh tế, và văn hoá xã hội. Cũng như những lĩnh vực khác, Văn hoá Việt Nam được cấu trúc lại để giao lưu văn minh phương Tây mà cụ thể ở đây chính là giao lưu văn hoá Việt - Pháp. Tuy nhiên mạch xuyên suốt của mỹ thuật Việt Nam truyền thống tới hiện đại là bảo lưu giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc. Đầu thế kỷ XX đã xuất hiện những tranh sơn dầu của hoạ sĩ Lê Huy Miến và sau đó là hoạ sĩ Thang Trần Phềnh nhưng phải đến năm 1925 khi trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương ra đời mới truyền thụ hình thức mỹ thuật Phương Tây từ luật xa gần đến giải phẫu tạo hình, từ cách bố cục đến chất liệu sơn dầu, thiết kế có bản vẽ….hoàn toàn khác với phương pháp ước lệ dân gian. Đó là bước ngoặt lớn trên bình diện Mỹ thuật Việt Nam, là điểm mốc quan trọng đánh dấu loại hình tác phẩm từ những tác phẩm với loại hình mỹ thuật truyền thống do tập thể nghệ nhân khuyết danh sáng tạo sang những tác phẩm mới được sáng tác bởi các cá nhân, hoạ sĩ hữu danh. Từ đây vai trò cá nhân của nghệ sĩ được đề cao, nghệ sĩ không chỉ sáng tác để tô điểm cho cung điện, chùa chiền nữa mà sáng tác để thể hiện cái tôi của mình trong thế giới.

Thật may mắn khi Bảo tàng Hà Nội đang sở hữu gần hai mươi hiện vật mang phong cách của mỹ nghệ mỹ thuật Đông Dương. Đây đều là những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu đồng vô cùng quý giá. Đặc biệt là có một số hiện vật được làm tại xưởng đúc Hoàng Xuân Lan nổi tiếng một thời mà đến nay vẫn đang được bán tại thị trường Pháp như tượng cô gái Việt bán thân. 

 Tượng đồng cô gái 

Với những chủ đề mà các hiện vật thể hiện về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam nó mang đậm chất dân tộc, thể hiện sự dân giã, gần gũi mà ta có thể thấy được qua các hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; hình ảnh các em mục đồng chăn trâu cắt cỏ; các cụ ông với đôi chân trần, đầu đội nón lá, tay cầm giỏ ở nhiều tư thế khác nhau. Đặc biệt hình ảnh người phụ nữ Việt nam luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nói chung và nghệ sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương nói riêng thể hiện trong rất nhiều sáng tác: hình ảnh người phụ nữ tảo tần với công việc đồng áng, hình ảnh các cô thôn nữ gánh nước, mò cua; các bà các mẹ đầu vấn khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, hay những bức chân dung về phụ nữ…Ngoài đời sống hiện thực ấy còn bắt gặp hình ảnh nhà sư ngồi trong tư thế thiền thể hiện đời sống tâm linh, tinh thần mà các nghệ nhân xưa đã khéo léo đưa vào trong tác phẩm. 

Tượng đồng nhà sư ngồi thiền

Tất cả khuôn mặt họ đều toát lên vẻ khắc khổ của cuộc sống thường ngày, các nét trên khuôn mặt và tổng thể được khắc hoạ rõ nét, cân đối thể hiện kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, đã đạt đến đỉnh cao. Xã hội Việt Nam, qua bàn tay và óc sáng tạo của các nghệ nhân đã được lột tả một cách chân thực nhất.

Là một người Pháp, đã từng là Toàn quyền ở Đông Dương, Paul Doumer trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của mình cũng đã nhận xét về người thợ thủ công xứ Bắc Kỳ: “…các thợ thủ công Bắc Kỳ làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ, và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự. Những thợ đúc đồng, thợ kim hoàn, thợ khảm men huyền, thợ thêu, thợ điêu khắc, thợ khảm đã tạo được một tiếng tăm xứng đáng. Họ không phải là những người thợ bắt chước một nền nghệ thuật ngoại quốc… những người thợ đã tạo ra một nghệ thuật An Nam, với các hình mẫu và cách trang trí của chính họ”.

Thật vậy người xưa có câu “có bột mới gột nên hồ” nếu như chúng ta không có một cái gốc vững chắc thì dù có tiếp thu hay biến đổi thế nào đi nữa cũng không thể để lại nhiều ấn tượng, các nghệ nhân Việt Nam thời Mỹ thuật Đông Dương họ đã vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý thuyết của nghệ thuật phương tây kết hợp với óc sáng tạo, bàn tay khéo léo của mình để cho ra đời những “đứa con tinh thần” còn mãi với thời gian. Họ đã thành công khi tạo nên những hình ảnh, hiện vật sinh động đọng lại trong ký ức, khi tái hiện vào trong tác phẩm đã trở thành những hình tượng tinh giản, sâu lắng, thoáng hoạt trong cấu trúc tổng thể. Nhìn vào các tác phẩm Mỹ nghệ Mỹ thuật Đông Dương chúng ta thấy rõ được kỹ thuật của các nghệ nhân thời kỳ này đã rất điêu luyện, bởi do chúng ta đã có một nền tảng về nghệ thuật điêu khắc cổ phát triển rực rỡ đặc biệt là thời kỳ Văn hoá Đông Sơn.

Tượng đồng thời mỹ thuật Đông Dương  đang được lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Hà Nội

Trải qua bao biến động và hội nhập cùng với nền mỹ thuật thế giới, các nghệ sĩ Việt Nam đã thành công khi tiếp thu, vận dụng và biến đổi những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu thêm cho vốn văn hoá dân tộc. Có thể thấy sự khác biệt lớn nhất về mặt tạo hình giữa các bức tượng của người Việt với các tượng của người châu Âu nằm ở quan niệm: cái cốt là thần thái, không nệ vào tỉ lệ, không hướng đến tính chất học thuật mà toát lên tính dân gian, dân dã trong tạo hình. Đó cũng chính là cái cốt cách cơ bản của điêu khắc truyền thống Việt. Bất cứ nghệ sĩ Việt Nam nào cũng không thể chối bỏ “chất dân tộc” trong từng tác phẩm của họ. Những hiện vật tại Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ tuy chúng không thể lột tả hết toàn bộ sự phát triển của thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương song đó cũng chính là một phần kết quả của một thời kỳ phát triển rực rỡ của nền mỹ thuật Việt Nam. Và hiện nay 12 tác phẩm vẫn luôn phát huy được chân giá trị của chúng khi được đặt tại Bảo tàng Hà Nội để giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế về một thời kỳ vàng son của Mỹ thuật dân tộc. Xin được mượn lời nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân để thay cho lời kết “…Nghệ thuật không có chuyện cái này xoá sạch cái kia, như người ta có thể xoá mất tích một băng ghi âm để ghi chồng lên đấy những âm thanh khác. Trái lại, những kỷ niệm tạo hình bao giờ cũng như còn quanh quẩn, lảng vảng trên khuôn mặt của hình dáng, đường nét, màu sắc một tác phẩm”./.

 

                                                                   Kiều Phương- Ngọc Hòa