NGHỆ NHÂN ĐÀO VĂN SOẠN VỚI LÀNG NGHỀ ĐÀN ĐÀO XÁ

 

Lịch sử hình thành làng Đào Xá

Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội (trước thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Vào thời Nguyễn, làng này thuộc huyện Sơn Minh phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam Thượng (sau là phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Nội). Đây là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Các loại đàn được sản xuất ở đây gồm: Đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu. Sản phẩm nhạc cụ dân tộc được bán ra khắp Việt Nam. 

 Tổ nghề đàn Đào Xá

Theo người dân trong làng truyền lại, cách đây hơn 200 năm, có cụ Đào Xuân Lan, vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp nhưng lại rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Bởi niềm đam mê đó mà cụ Lan đã không ngại đi khắp nơi, rong ruổi nhiều năm theo người Hoa để học cách làm ra các loại đàn khác nhau. Sau nhiều năm bôn ba học nghề, cụ về làng truyền dạy cho các con cháu trong gia đình để có việc làm, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Sau này, nghề làm đàn dần lan ra khắp làng Đào Xá, bởi vậy, ngày nay, người ta tôn cụ Đào Xuân Lan là tổ nghề.

Hiện nay ở làng Đào Xá vẫn có nhà thờ tổ nghề làm đàn. Hàng năm vào ngày giỗ tổ 15 tháng 9, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.

 Ông nội của cụ Đào Văn Soạn là một trong những học trò đầu tiên của cụ Đào Xuân Lan. Đến nay ông Đào Văn Soạn là người đi đầu trong việc giữ lệ làm giỗ tổ nghề đàn Đào Xá.

Quá trình phát triển:

Theo cụ Đào Văn Soạn, làng nghề đàn Đào Xá, có lịch sử phát triển đến nay đã hơn 200 năm.Từ khi thành thục nghề, người Đào Xá đã đi khắp nơi, làm việc ở hầu hết các cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc của cả nước. 

Từ thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã đưa gia đình vào nội thành Hà Nội để lập phường nghề. Nay, các cửa hiệu bán đàn khu vực quanh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chủ yếu là người Đào Xá. Kể cả xưởng nhạc cụ Quốc dân ở Thanh Hóa cũng là người làng Đào Xá. Là làng duy nhất ở Việt Nam sản xuất đàn, nghề đàn của làng này từ Bắc vào Nam. Vùng Hà Nam, Phủ Lý, Nam Định, Thanh Hóa cũng người làng này. Sau khi giải phóng Thủ đô thì người làng này di cư vào Nam và họ mang theo nghề làm đàn của quê hương. 

Vào thời kỳ phát triển nhất làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếp nối truyền thống xưa, hiện nay trong làng có ông Đào Văn Soạn là nghệ nhân làm đàn nổi tiếng cả nước. Ông Soạn là người duy nhất trong làng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian quốc gia và danh hiệu nghệ nhân ưu tú của thành phố Hà Nội. Sau hơn 40 năm làm nghề, ông Sọan là người hiểu rõ những thăng trầm của làng nghề: “Trong lịch sử làng nghề, vào thời kháng chiến chống Thực dân Pháp và trước cách mạng 1945 làng nghề phát triển mạnh. Sau khi hòa bình lập lại 1954 làng vẫn giữ được nghề. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Đến sau khi giải phóng Thủ đô thì với chính sách xây dựng vùng kinh tế mới, nên nhiều người làng Đào Xá di chuyển vào Nam, và một số tỉnh phía Bắc và mang theo nghề đàn của quê hương. Nhưng tại các nơi này nghề đàn cũng có làm nhưng không phát triển và đặc sắc như tại Đào Xá. Đến nay Đào Xá vẫn là cái nôi, là nơi gốc của nghề đàn. Đến những năm 90 thì khôi phục văn hóa lịch sử dân tộc thì mới phát triển lại”. 

Nay do những thay đổi về cơ chế thị trường, với sự phát triển của các khu công nghiệp mới, học nghề làm đàn yêu cầu sự tỉ mẩn, thu nhập lại thấp nên số hộ làm đàn trong làng ngày càng ít đi. Trong làng duy nhất có cụ Đào Văn Soạn được nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú, gia đình đã có 5 đời làm đàn, có xưởng sản xuất nhạc cụ lớn nhất làng.

Anh Đào Văn Tuấn (con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn)

Nghệ nhân Ưu Tú Đào Văn Soạn bên tủ nhạc cụ 

Nghệ Nhân ưu tú Đào Văn Soạn và khách hàng

Kỹ thuật và quy trình làm đàn

*Kỹ thuật:

Theo cụ Đào Văn Soạn chia sẻ: Để làm được cây đàn tốt, khó nhất là việc tìm và chọn nguyên liệu. “Theo quan niệm xưa “Thành trắc mặt vông” cho nên gỗ tốt nhất nên là gỗ trắc, gỗ vông (có nơi gọi là cây ngô đồng). Đặc biệt, gỗ phải để khoảng 2 năm cho đủ khô mới đưa vào sử dụng được. Không chỉ gỗ, nhiều loại đàn cần phải dùng da trăn để chế tạo. Do đó, để làm ra một cây đàn tốn khá nhiều thời gian và công sức”. 

Hiện nay, máy móc có thể tham gia một số công đoạn nhưng cơ bản người thợ vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây... đến khâu cuối cùng là tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn. Cây đàn đạt yêu cầu chất lượng thì khâu thẩm âm là quan trọng nhất.

Làng Đào Xá rất hiếm người biết nhạc lý, tất cả đều thẩm âm bằng kinh nghiệm, được trao truyền lại từ đời này sang đời khác và bằng sự tinh tế của mỗi người làm. Ông Đào Văn Soạn cho biết: “Nếu người làm chỉ cần làm sai một chi tiết nhỏ là tiếng đàn đã khác bởi vậy nghề làm đàn cần tỉ và kiên trì”. 

*Quy trình: Để làm ra một cây đàn phải trải qua nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mỉ tài hoa của người thợ:

+ Dụng cụ: Để làm ra 1 cây đàn thì phải có máy móc, cưa tay, cưa máy bào máy, đục, tràng, đục móng, đục bạc loại 2 phân, 1 phân, đục 5 li, dũa. Mỗi một loại đàn sẽ có khuôn riêng.

+ Nguyên liệu: Gỗ trắc, gỗ ngô đồng, gỗ mun, gỗ xưa…mỗi loại đàn có nguyên liệu riêng, như đối với đàn có thì mặt phải dùng da chăn. Dây thì có dây tơ, dây cước.

+ Chọn gỗ, xử lý gỗ thường để khoảng 2 năm cho khô kiệt thì khi vào mặt đàn nó sẽ không bị cong vênh, nứt.

Nhìn chung các công đoạn gồm: Đầu tiên là lấy gỗ, sau xẻ, sau bào, cái gì cần đục đẽo, thì đục, khi nó thành hình thì vào khuôn, sau đó chọn mặt, cắt mặt vào mặt hậu, sau đó thợ mang đi khảm trai, sau về làm giấy giáp, đánh bóng, sau làm phím căng dây. Cụ thể quy trình làm đàn như sau: 

Đầu tiên là mua gỗ về xẻ rồi phơi, chọn gỗ, được biệt là gỗ mặt, đàn kêu tốt hay không là do mặt.

1. Làm mặt, vào hậu: Mặt yêu cầu nhẹ xốp “Thành trắc mặt vông”.  

2. Làm thành đàn: Mỗi loại đàn sẽ có khuôn riêng.

3. Vào thùng: Xẻ gỗ, mỏng 1 phân sau đó ghép, nếu liền thì tốt, sau đó đặt mẫu lên vanh thành hình, sau vam mặt hậu vào thùng đàn, sau đó gắn keo buộc dây, ép chặt, chờ khô khoảng 2 ngày sau tháo ra. Sau khi bỏ ra thì trà bào mặt theo đúng kích thước của cây đàn. Sau đó cắm cần, khoan lỗ sau đó đưa về xưởng hoàn thiện.

4. Vào mặt, ghép mặt.

5. Làm dọc đàn: Khi xẻ gỗ phải lượn, uốn theo đường vẽ trước. Ghép mộng, gắn keo. Dọc đàn gồm: Lá đàn, con cóc (gắn phía trên), quả đào (gắn với cổ) phú, trục đàn (để lên dây); cổ đàn (2 rãnh ở giữa), chân đàn để cắm vào thùng đàn.

6. Làm lá đàn.

7. Làm khảm trai: Yêu cầu phải kín, đẹp, phẳng. Đề tài thì theo yêu cầu của người làm đàn, theo nhu cầu của người chơi. Thường làm khảm trai ở làng Chuôn Phú Xuyên.

8. Đánh giấy giáp: Khi đạt yêu cầu sờ cảm nhận mát tay, mịn không còn gợn.

9. Làm bóng: Ban đầu bả gỗ, sau đánh giấy giáp cho hết lớp bả đi, sau đánh giấy giáp cho lì, sau đó phun lót, sau lại đánh giấy giáp, làm 4 - 5 lần bả lót thì mới bóng đẹp được.

10. Làm phím đàn: Trước tiên ta mua gốc tre, loại tre già, về cưa hết mấu. Có thể luộc (vài tiếng) hoặc phơi, sau mang ra chẻ hình thù thành hình phím, sau đó đưa máy cắt thành từng khúc, mỗi một loại phím có cỡ khác nhau. Ví dụ như đàn nguyệt 10 phím thì dài ngắn to, nhỏ khác nhau. Đàn đáy 11 phím cũng các cỡ khác nhau. Phím phải đục để cho có đường cong. Sau dùng mũi khoan để khoan lỗ. Sau cuối cùng là cọ giấy giáp cho nhẵn.

11.  Làm trục

12.  Lên dây, thẩm âm

13.  Thành phẩm, bán ra thị trường.

Đàn thành phẩm yêu cầu đảm bảo về mặt thẩm mỹ, âm thanh hay.

*Người hiến tặng bộ đàn truyền thống cho Bảo tàng Hà Nội

Hiện nay, làng nghề đàn Đào Xá đang dần mai một, ông Đào Văn Soạn là nghệ nhân hiếm hoi gắn bó và giữ nghề làm đàn, ông cũng là người duy nhất trong làng Đào Xá được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Với tình yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến, hưởng ứng lời kêu gọi hiến tặng tài liệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, ngày 24/05/2019, gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn đã tặng bộ đàn truyền thống, cùng các dụng cụ làm đàm cho Bảo tàng Hà Nội.

Bộ đàn cùng các dụng cụ làm đàn là những hiện vật quý giá cho Bảo Tàng Hà Nội để phục vụ trưng bày về “Làng nghề, phố nghề” và điều đặc biệt hơn đây lại những sản phẩm do chính bàn tay nghệ nhân Ưu tú Đào Văn Soạn làm nên bằng bàn tay khéo léo cùng với tình yêu nghề, con mắt tinh tế của người nghệ nhân đã hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm đàn truyền thống của dân tộc.

MỘT SỐ NHẠC CỤ VÀ DỤNG CỤ LÀM ĐÀN DO NGHỆ NHÂN ĐÀO VĂN SOẠN HIẾN TẶNG

Khuôn đàn Nguyệt

Đàn Nhị Hai

Đàn Tứ

Đàn Đáy

Đàn Tranh

Đàn BanJo AnTo

 

 

Lưu Dung