Những hiện vật thể hiện tình yêu với biển đảo, quê hương của nhạc sĩ Đỗ Lập tặng Bảo tàng Hà Nội
“Tổ quốc nơi nào mà không máu thịt
Không vang vọng lời
thề gìn giữ thuở cha ông?
Tổ quốc được gọi tên
trên môi người dân Việt
Ngọn sóng Biển Đông cứ trào cuộn trong lòng”
(“Tổ quốc nơi biển đảo” - Lê Ái Siêm)
Biển đảo quê hương luôn là nguồn
cảm xúc dạt dào của các văn nghệ sĩ. Với vị trí, vai trò của mình, đội ngũ văn
nghệ sĩ, những người làm công tác văn học, nghệ thuật đã luôn đi tiên phong
trong việc tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Và để
có được những tác phẩm hay, văn nghệ sĩ cần phải trải nghiệm thực tế, đi nhiều,
viết nhiều, mở rộng tầm nhìn.
Nhưng nói về trải nghiệm, ít ai làm theo cách của nhạc sĩ Đỗ Lập - người đã có 2 lần hành trình xuyên Việt bằng xe máy để tìm cảm hứng sáng tác và thu thập chữ ký, kêu gọi bảo vệ biển đảo quê hương.
Nhạc sĩ Đỗ Lập tên thật là Đỗ Thành Lập, sinh năm 1945, quê ở tỉnh Hậu Giang, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hậu Giang. Ông từng là học sinh miền Nam, theo gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu. Đất nước thống nhất, Đỗ Lập trở về quê hương Hậu Giang sinh sống, làm giáo viên dạy nhạc tại một trường cấp 2 cho đến khi nghỉ hưu. Từ năm 1999 đến nay, nhạc sĩ Đỗ Lập đã sáng tác được rất nhiều ca khúc, trong đó có những bài hát về đề tài biển đảo như: Màu xanh phong ba, Lời của sóng, Đàn chim lạc hồng, Cánh hải âu em đó, Màu nắng quê hương…
Năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Lập đã được cả nước biết đến trong chuyến hành trình xuyên Việt đầu tiên của ông bằng xe máy qua 63 tỉnh, thành. Đến nơi nào ông cũng lấy một nắm đất để rồi sau khi kết thúc cuộc hành trình, 63 nắm đất của 63 tỉnh, thành được ông ghép lại thành bản đò Tổ quốc với tên gọi “Đất Việt”, hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội và được trưng bày trang trọng nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Nhạc sĩ Đỗ Lập xúc động trao tặng Bảo tàng Hà Nội chiếc xe máy đã cùng ông rong ruổi đến các vùng, miền để sưu tầm chữ ký của nhiều người dân Việt Nam, thắp lên tình yêu biển đảo quê hương
Năm 2014, nhạc sĩ Đỗ Lập cho rằng mình vẫn còn món nợ ân tình với các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Vì vậy, ông quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt bằng xe máy lần 2 để ghi nhận tình cảm của đồng bào ở 63 tỉnh, thành. Cuộc hành trình kéo dài gần 4 năm, bắt đầu từ ngày 22/11/2014 xuất phát tại Hậu Giang, kết thúc ngày 4/1/2018 tại Hà Nội. Khác với chuyến đi năm 2010, lần này nhạc sĩ Đỗ Lập thường lưu lại mỗi nơi 4-5 ngày, gặp gỡ nhiều nghệ sĩ, người dân để xin chữ ký thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương.
Vượt qua những khó khăn vất vả
trong hành trình, bằng nhiệt huyết và tấm lòng chân thành, người đàn ông ấy đã
thu thập được hơn 100.000 chữ ký và bút tích của người dân trên khắp đất nước
Việt Nam trong suốt chuyến đi của mình để gửi tới các chiến sĩ, đồng bào nơi hải
đảo, biên cương của Tổ quốc. Hình ảnh một người đàn ông với dáng vẻ khắc khổ,
lam lũ, tuổi đã gần 80 trên chiếc xe máy cũ, đi khắp các miền đất nước xin chữ
ký của người dân đã thực sự truyền lửa và thắp sáng tình yêu biển đảo đến với
muôn vàn những trái tim khác.
Nhạc sĩ Đỗ Lập đã trao tặng 12 cuốn sổ thu thập 100.000 chữ ký cho ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội
Sau khi hoàn thành tâm nguyện của
mình, ngày 04/01/2018, nhạc sĩ Đỗ Lập đã trao tặng lại Bảo tàng Hà Nội bản gốc
12 cuốn sổ thu thập 100.000 chữ ký và chiếc xe máy đã đồng hành với ông trong
suốt hành trình trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đỗ Lập cũng đã thực
hiện sao 10 bản để gửi tặng cho các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, tiếp thêm động
lực để các chiến sĩ, đồng bào yên tâm bám biển, giữ đảo./.
Bài, ảnh: Ngọc Hòa - Thùy Dương