CÁC DI TÍCH HIỆN CÒN CỦA THÀNH HÀ NỘI THỜI NGUYỄN

Thành Hà Nội thời Nguyễn hiện còn chứa rất nhiều di tích khảo cổ học và di tích kiến trúc, trong đó những di tích kiến trúc đã trở thành biểu trưng của Thăng Long- Hà Nội qua hàng nghìn năm lịch sử.

1. Di tích kiến trúc nghệ thuật

1.1. Di tích Bắc Môn:

Bắc Môn là cổng thành phía Bắc, một trong năm cổng thành duy nhất còn lại của thành thời Nguyễn. Bắc Môn được xây bằng gạch, cổng cuốn vòm. Vật liệu xây dựng chính là gạch vồ. Dưới chân thành và mép cổng được lát đá xanh. Mặt cổng cũng được lát đá xanh, phía trên có đường diềm đá chạm hoa sen. Chính giữa cửa ở phía Bắc có biển đá hình chữ nhật có 3 chữ Hán “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây hình sin. Các bề mặt của Cửa Bắc, tường gạch có dạng thượng thu hạ thách. Trên mặt nền, Môn Lâu đã bị phá từ lâu, hiện nay đã được xây dựng lại vào năm 1998. 

Di tích Bắc Môn

1.2. Di tích Cột Cờ:

Cột Cờ được xây dựng năm 1812 trên nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm Thành Thăng Long thời Lê. Cột Cờ là một trong số kiến trúc còn sót lại khá nguyên vẹn từ thời Nguyễn. Cột cờ có chân đế hình vuông bao gồm ba tầng gạch hình chóp cụt chồng lên nhau và nhỏ dần lên đỉnh, cao tổng thể 33,4. Tầng đầu tiên có kích thước dài 42,5m, cao 3,1m va có 2 cầu thang bằng gạch dẫn lên một sân rộng lát gạch. Tầng trên cao 3,7m, mỗi cạnh dài 2,7m. Mỗi mặt của tầng này có một cửa vòm, phía trên mỗi cửa có khắc chữ Hán: ở phía Đông là “Nghênh húc” (Đón ánh nắng ban mai), ở phía Tây là “Hồi Quang” (Phản chiếu ánh sáng), ở phía Nam là “Hướng minh” (Hướng về phía ánh sáng). Tầng 3 cao 5,1m, mỗi cạnh 12,8m. Có một khung cửa ở mặt Bắc dẫn đến cầu thang để lên tháp Cột cờ. Phần tháp hình Bát giác, xây bằng gạch cao 12,8m, mỗi cạnh dài 2m, dáng thon dần lên tới đỉnh. Để lên tới đỉnh có 54 bậc thang xoáy trôn ốc. Thân tháp có các ô cửa chiếu sáng và thông khí tạo dáng hình quạt và hình Bát giác. Đỉnh tháp đặt 1 đài quan sát cao 3,1m được xây dựng bằng gạch trát vữa có các ô cửa sổ hình chữ nhật. Đỉnh tháp có một Cột Cờ đường kính 40cm. 

Di tích Cột cờ

1.3. Di tích tường bao và 8 cửa hành cung. 

Năm 1805, nhà Nguyễn đã xây cổng tường bao từ cửa Đoan Môn bao quanh khu nội điện để làm hành cung nơi vua ở và làm việc mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay trong khu vực thành cổ còn 8 cổng. Các cổng này đều đã được Nhà nước Bảo hộ Pháp xếp hạng năm 1925. Hiện nay, dấu tích các cửa và thành bao quanh đã được tu bổ nhiều lần và vẫn còn giữ được dấu tích ở đây. 

Khu vực trung tâm Thành Hà Nội hiện còn phần tường bao (có đoạn mới được phục dựng gần đây bằng gạch vồ cổ lẫn gạch vồ mới) dài 350m, rộng 120m bao quanh điện Kính Thiên và một số toà nhà Nội điện (thế kỷ XIX) gồm di tích Kính Thiên, Hậu Lâu, Hành cung Hậu điện, Hành cung Tiền điện. Ðó cũng chính là một phần của trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

2. Di tích khảo cổ học

2.1. Dấu tích Dương Mã thành và hào góc Tây Nam

Hiện nay, tại khu Di sản còn lại di tich Bắc Môn, di tích Cột Cờ, cửa Hành cung dưới lòng đất, khảo cổ học đã phát hiện được dấu tích Dương Mã thành góc Tây Nam và một đoạn hào nước phía Tây tại 62- 64 Trần Phú. 

  2.2. Dấu tích các nền móng cung điện ở khu vực Chính điện Kính Thiên

Các khu vực khai quật khảo cổ đã phát hiện được 3 vị trí có dấu tích móng nền kiến trúc thời Nguyễn như hệ thống móng cột thời Nguyễn ở phía Bắc Đoan Môn nằm trên sân Đan Trì thời Lê Trung Hưng; dấu tích kiến trúc có móng cột ở điện Kính Thiên. Các móng cột này được xây dựng khá kiên cố hình gần vuông (1,30m x 1,40m x 0,90m). Đối chiếu với bản đồ thành Hà Nội thời Nguyễn thì có thể đoán các móng cột này là dấu tích điện Thị Triều thời Nguyễn. Năm 2019, đã phát hiện hai dấu tích kiến trúc Nguyễn ký hiệu 19.ĐKT.Ng.KT1, 19.ĐKT.Ng.KT2. Tất cả các kiến trúc này đều nằm trong lớp văn hóa Nguyễn cắt vào đến lớp văn hóa Lê Trung Hưng, một số cắt xuống đến lớp văn hóa Lê sơ thì kết thúc. 

Vật liệu xây dựng móng cột chủ yếu là gạch ngói vụn có màu xám và đỏ. Về kỹ thuật móng cột được đầm nện chặt bằng gạch ngói vụn (đỏ xám) và đất sét màu nâu đỏ đầm xen kẽ nhau thành từng lớp, cứ một lớp đầm gạch ngói vụ dày 10cm xen với một lớp đất sét nâu đỏ dày từ 5cm đến 7cm. Các lớp được đầm nện rất kỹ, vật liệu được đầm vụn và nện chặt. 

Đối chiếu với bản đồ thành Hà Nội thời Nguyễn của Viện viễn đông bác cổ (EFEO-VIE 13474) thì có thể đó là một dấu tích kiến trúc thuộc hành cung Bắc thành nằm ở giữa khu vực điện Long Thiên và khu vực Hành cung.

Tất cả các di tích trên đây đều có niên đại vào khoảng thời kỳ hưng thịnh nhất của nhà Nguyễn (1802-1841).

Qua các dấu tích kiến trúc còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn có thể thấy rõ đây là toà thành lớn thứ hai sau kinh đô Huế của Đại Nam.

Di tích Bắc Môn (xây dựng năm 1804), di tích Cột Cờ (xây dựng năm 1812) còn lại khá nguyên vẹn cho thấy vật liệu xây dựng và kỹ thuật đều là của một tòa thành Ngôi Sao được xây dựng cực kỳ công phu. Trong Hồ sơ Di sản Thế giới các chuyên gia trong và ngoài nước đã quyết định lấy di tích Cột Cờ là hình ảnh biểu trưng của Di sản Thế giới Trung tâm Thăng Long Hà Nội và đó cũng là một trong những biểu trưng của Văn hiến Thăng Long- Hà Nội nghìn năm. 

 

 

Bài và ảnh: Ngô Thị Thanh Thuý