CÁCH TÍNH TIỀN CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA
Trong
các thời đại phong kiến Việt Nam, thông thường mỗi nhà Vua lên ngôi, đều đánh dấu
sự nghiệp của mình bằng cách đổi niên hiệu mới và phát hành tiền để khẳng định
tính chính thống của vương triều mà mình cai trị. Một đồng tiền có thể nói về
nhiều điều trong một thời kỳ lịch sử, nó mang trong mình những biến cố, sự vinh
nhục của biết bao dòng họ và thậm chí cả triết lý sống của một dân tộc. Có thể
nói đồng tiền đi liền với lịch sử.
Lịch sử phát triển của đồng Tiền Việt Nam
chia thành ba giai đoạn: Tiền của các giai đoạn phong kiến, Tiền thời Pháp thuộc,
Tiền của nước Việt Nam thời kỳ độc lập. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam
không có đồng tiền của riêng mình để lưu hành. Cho đến năm 968 khi Đinh Tiên Hoàng
dẹp loạn 12 sứ quân lập lên nhà Đinh và xưng là Đinh Tiên Hoàng đế - mở đầu một
kỷ nguyên độc lập cho nước Việt. Đây là triều đại đầu tiên trong lịch sử nước ta
đúc tiền để lưu hành đó là đồng “Thái bình Hưng bảo” ra đời năm 970. Đồng tiền thời Đinh được làm bằng
đồng hình tròn ở giữa có lỗ vuông. Theo quan niệm của người xưa tròn tượng
trưng cho trời vuông tượng trưng cho đất, quan điểm này được giữ nhất quán trong
việc đúc tiền qua các triều đại sau này.
Tiền Cảnh Hưng thông bảo
Đồng tiền Việt Nam thời phong kiến mặt chính có 4 chữ Hán,
2 chữ đầu thường là niên hiệu vua như: Thái Bình, Thiên Phúc, Hồng Thuận…và 2
chữ sau thường chỉ loại tiền như: Thông bảo, Nguyên bảo, Đại bảo… Đa số tiền
thông bảo nghĩa là đồng tiền thông dụng, nguyên bảo nghĩa là đồng tiền đầu tiên
mới phát hành… Tuy nhiên có một số loại tiền cổ mang 2 chữ chỉ thứ hạng hoặc ý
muốn chủ quan khá lạ lùng: Cảnh hưng Vĩnh bảo có nghĩa là tiền lưu hành mãi
mãi; Chí bảo có nghĩa là đồng tiền cao quý nhất; Đại bảo có nghĩa là tiền có giá
trị lớn; Chính bảo nghĩa là tiền chính thống… Ngoài ra còn một số loại tiền được
xếp loại chưa thể xác định như Trần tâm Tống bảo, Thái bình Thánh bảo, Thái
bình Pháp bảo, điều này cho thấy rằng đồng tiền còn chứa đựng nhiều yếu tố lịch
sử mà ngày nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó.
Bản dập tiền Cảnh Hưng thông bảo
Trong lịch sử các triều đại phong kiến tiền giấy
cũng được in lần đầu tiên dưới thời nhà Hồ cách ngày nay gần 600 năm. Theo sử
sách ghi lại thì tiền giấy thường sử dụng những hình ảnh như rồng, phượng, rùa,
mây sóng nước, rong biển, tùy theo mệnh giá từng đồng tiền. Sau nhà Hồ, ở nước
ta không có triều đại phong kiến nào in và lưu hành tiền giấy.
Tiền cổ Việt
Nam làm từ nhiều kim loại khác nhau như vàng, bạc, đồng, kẽm, thép, chì và cả sắt
(thời Mạc). Trong đó tiền kẽm được xem là đặc trưng ở Việt Nam và nhiều nhất ở
triều Nguyễn.
Cách tính tiền:
các thời phong kiến quy định cách dùng tiền khác nhau. Năm 1439, Lê Thái Tông định
1 tiền là 60 đồng, 1 quan gồm 600 đồng, ổn định mãi đến khi nhà Nguyễn và chấm
dứt năm 1945. Vì vậy trong dân gian có bài thơ:
Một quan là sáu trăm đồng,
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi,
Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy,
Hai bên có lính hầu đi dọn đàng,
Tôi ra đón tận gốc bàng,
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.
Đối với
những giao dịch lớn không tiện cho việc đếm tiền người ta đã sáng chế ra thước
để đo tiền. Thước được đúc bằng kim loại hình lòng máng dài khoảng 60cm, khi xếp
tiền có thể hơn kém chút đỉnh nhưng vẫn tính là một quan.
Tương truyền rằng Hồ Xuân Hương túng tiền đến
mượn Chiêu Hổ 5 quan tiêu tạm, đếm mãi không đủ nên trách:
Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
Nhớ hái cho xin nắm lá đa!
Chiêu
Hổ trả lời:
Rằng gián thì năm, quý có ba!
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Chiêu Hổ không đủ năm quan tiền quý, nên
mưu mẹo cho mượn vẫn đúng năm quan như y hẹn, nhưng lại tính theo tiền gián, có
giá trị thấp hơn, làm nữ sĩ cụt hứng. Vậy tiền quý và tiền gián khác nhau ở như
thế nào? Mỗi quan tiền gián chỉ ăn 360 đồng tiền kẽm mà thôi. Do vậy, khi Chiêu
Hổ đưa Hồ Xuân Hương mượn 1800 đồng tiền kẽm tức là 5 quan tiền gián, giá trị
chỉ tương đương 3 quan tiền quý: Hồ Xuân Hương cần đến 5 quan tiền quý chứ không phải 5 quan tiền gián.
Tiền thưởng: Theo sách “Đại Nam thực lục” tiền
đúc để thưởng cho những người có công với triều đình tùy theo công lao của người
được thưởng để đúc tiền. Người có công trạng nhất định thì được thưởng tiền đồng,
cao hơn là bạc tiếp đó là vàng.
Tiền đồng sử dụng trong dịch học: Ngày xưa,
người ta dùng tiền xu đục lỗ hình tròn tượng trưng cho trời, giữa là lỗ hình
vuông tượng trưng cho đất. Trời ngoài đất trong tượng trưng cho quẻ Thái tức sự
thịnh vượng. Tùy theo niên hiệu các đời vua mà trên tiền xu có khắc chữ khác
nhau. Vì tiền cổ được chế tạo đã nhiều năm nên hấp thu được “thiên khí”. Đồng
thời do phần lớn các đồng tiền cổ được chôn vùi dưới đất nên đã hấp thu được “địa
khí”. Ngoài ra, nó đã được qua tay nhiều người sử dụng nên đã hấp thu được
“nhân khí” rất nhiều. Ba khí Thiên Địa Nhân đều có đủ, nên các đồng tiền cổ có
thể có từ trường rất mạnh nên việc gieo quẻ sẽ rất linh ứng. Đặc biệt Càn Long
lại là 1 trong những đời hoàng đế cực thịnh của nhà Mãn Thanh cho nên đồng tiền
của vị hoàng đế này rất được giới Dịch học săn lùng.
Ghi chú:
- Trong bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của đồng
nghiệp ở bảo tàng Hà Nội, các nhà sưu tập thuộc câu lạc bộ nghiên cứu và sưu tầm
cổ vật UNESCO:
- Tài liệu tham khảo: Sách “Tiền cổ Viêt Nam” của
PGS Đỗ Văn Ninh.