ĐẤT PHÙ SA Ở HÀ NỘI ĐỐI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH VÙNG CÂY TRỒNG CHUYÊN CANH

Đất đai là điều kiện vật chất mà mọi sản xuất và sinh hoạt đều cần tới. Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, sự hình thành và phát triển của mọi nền văn minh vật chất và văn minh tinh thần, tất cả các kỹ thuật vật chất và văn hóa khoa học đều được xây dựng trên nền tảng cơ bản là sử dụng đất đai. Luật đất đai năm 2013 số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 đã khẳng định “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”. Như vậy, đất đai là điều kiện chung nhất đối với mọi quá trình sản xuất và hoạt động của con người. Nói cách khác, không có đất sẽ không có sản xuất cũng như không có sự tồn tại của chính con người. Do vậy, để có thể sử dụng đúng, hợp lý và có hiệu quả toàn bộ quỹ đất thì việc hiểu rõ các loại đất là vô cùng cần thiết. Quá trình sản xuất nông - lâm nghiệp luôn liên quan chặt chẽ với độ phì nhiêu quá trình sinh học tự nhiên của đất.

Thuật ngữ khoa học “Đất” và “Đất đai” có sự phân biệt nhất định. Theo các nhà khoa học thì “Đất” tương đương với từ “Soil” trong tiếng Anh, nó có nghĩa trùng với thổ hay thổ nhưỡng bao hàm ý nghĩa về tính chất của nó. Còn “Đất đai” tương đương với từ “Land” trong tiếng Anh, nó có nghĩa về phạm vi không gian của đất hay có thể hiểu là lãnh thổ. Trong bài viết này, tác giả chủ yếu tập trung giới thiệu về tính khoa học của đất “Soil”, phân bố và sử dụng đất. 

Theo bản đồ đất Thành phố Hà Nội tỷ lệ 1: 50.000, ở Hà Nội có 7 nhóm đất chính là: Nhóm đất cát, nhóm đất phù sa, nhóm đất lầy và than bùn, nhóm đất xám bạc màu, nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất dốc tụ, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Theo tiêu chí phân loại của FAO thì gồm 23 loại đất khác nhau. 

Đất phù sa là nhóm đất chiếm diện tích lớn nhất ở Hà Nội do dòng sông Hồng bồi đắp qua các thời kỳ khác nhau trong giai đoạn đệ tứ. Nhóm đất này được phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và đồng bằng xen gò với diện tích 179.470,9 ha, chiếm 65,8% tổng diện tích các loại đất. Đất phù sa được chia làm 8 loại đất khác nhau bao gồm: Đất phù sa được bồi chua, Đất phù sa được bồi, trung tính ít chua, Đất phù sa không được bồi, chua, Đất phù sa không được bồi, trung tính ít chua, Đất Phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, Đất phù sa Glây, Đất phù úng nước, Đất phù ngòi suối. Ở Hà Nội, do hệ thống đê có từ 800 năm nay, nên đất phù sa chủ yếu được chia làm hai loại chính: Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng và Đất phù sa không được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng.

1.Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng

Đất được hình thành trên trầm tích phù sa của hệ thống sông, phân bố ở địa hình vàn, vàn cao. Đất còn giữ nguyên các bản chất phù sa và được bồi đắp một lượng phù sa nhất định do lượng lũ lớn, lũ nhỏ hàng năm. Nhiều vùng có sự xen kẽ các tầng đất thịt, tầng đất cát thể hiện rõ đặc tính xếp lớp của trầm tích.

Canh tác trồng màu trên đất phù sa ngoài đê ở phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (2020)

Cấu tạo đất chủ yếu là dạng khối, khối ít lỗ hổng. Kiến trúc đất thường có dạng cát bột đến sét bột. Trong đất có tỷ lệ tương đối lớn các mảnh vụn có dạng góc cạnh đến nửa góc cạnh, độ mài tròn và chọn lọc kém chứng tỏ độ trầm tích là rất nhanh. Đất có thành phần khoáng vật sét khá phong phú gồm các loại như Hydromica, Kaolinite, Vermiculite, Chlorite, Quartz, Feldspar.

Diện tích khoảng 30.500 ha chiếm 9,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Phân bố dọc theo sông Hồng và các nhánh sông như Sông Đáy, Sông Cà Lồ.

Đất mang bản chất phù sa màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng như: Lúa nước và các loại cây ngắn ngày như: Ngô, đậu đỗ, khoai lang, khoai tây, rau màu, hoa, chuối, cam, bưởi… Đất tuy mang hàm lượng phù sa màu mỡ nhưng cần phải cải tạo và bổ sung dinh dưỡng như phân bón hữu cơ để tăng độ phì cho đất, đảm bảo sản xuất lâu dài.

2.Đất phù sa không được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng

Đất được hình thành trên trầm tích của hệ thống sông Hồng nhưng không được bồi đắp phù sa trong thời gian dài, phân bố ở những nơi có địa hình thấp, bị đọng nước thường xuyên, có mực nước ngầm nông, tạo ra trạng thái yếm khí trong đất.

Đất là sản phẩm của quá trình phong hóa triệt để của các sản phẩm trầm tích, thường có cấu tạo dạng khối và kiến trúc dạng sét bột, nghèo cát bột thạch anh. Các khoáng vật sét đóng vai trò là xi măng gắn kết các mảnh vụn. Tỷ lệ vụn thực vật khá lớn và bảo tồn tốt. Đất có hàm lượng khoáng kaolinite là khoáng vật sét chủ yếu chiếm hơn 50%, khoáng mica và hydromica chiến hơn 20%. Diện tích chiếm khoảng 145.000 ha, chiếm khoảng 43,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Phân bố hầu hết ở các huyện của Hà Nội.

Trồng bưởi trên đất phù sa không bồi hàng năm ở xã Vân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội (2020)

Đây là loại đất không được bồi đắp phù sa hàng năm do các công trình ngăn đê lũ từ trước đây cho nên đất nghèo kiệt các chất dinh dưỡng, bên cạnh đó còn bị ngập nước thường xuyên nên bắt đầu hình thành glây có nồng độ nên dễ gây độc cho cây trồng. Đất phù hợp với việc trồng lúa hoặc sử dụng lúa- cá, rau màu, đậu đỗ… Cần bổ sung dinh dưỡng cân đối kết hợp công tác tiêu thủy để hạn chế các yếu tố gây độc.

3. Hiệu quả từ quá trình sử dụng đất gắn với cây trồng đặc trưng

Đất phù sa sông Hồng là loại đất có độ phì nhiêu tự nhiên rất cao và đồng nhất với độ phì nhiêu thực tế hay còn gọi là sức sản xuất của đất, thích hợp với hầu hết các loại cây trồng với hình thức thâm canh đa dạng. Trên đất phù sa sông Hồng đã hình thành nên nền văn minh lúa nước lâu đời của vùng đồng bằng.

Hiện tại toàn bộ diện tích đất phù sa sông Hồng đã được đưa vào sản xuất với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật như các cuộc cách mạng về giống, phương thức canh tác, chế độ tưới, tiềm năng của đất phù sa sông Hồng đang được khai thác triệt để. Trên những cánh đồng phù sa không phải chỉ có lúa mà còn có các cây trồng khác với những hình thức thâm canh và cơ cấu mùa vụ rất khác nhau. Đối với đất phù sa sông Hồng trồng lúa thường có cơ cấu: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu hoặc 2 lúa – nhiều vụ màu. Năng suất lúa trung bình trên đất phù sa sông Hồng đạt 6 tấn/vụ và nhiều nơi đạt trên 10 tấn/vụ (2018).

Trên đất phù sa sông Hồng ở Hà Nội cũng đã tạo nên những vùng thâm canh cao, cho những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Về cây ăn quả có: Bưởi Diễn, cam Canh, cốm Mễ Trì, ổi Đông Dư, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, phật thủ Đắc Sở. Chuyên rau như: Húng Láng, rau sắng chùa Hương, rau muống Linh Chiểu, khoai tây Thường Tín, cải bẹ Đông Dư, cải mơ Hà Nội, cải mào gà Hoài Đức; chuyên hoa như: hoa Tây Tựu, hoa sen Hồ Tây, đào Nhật Tân, đào Dương Nội…. cho thu nhập cao góp phần phát triển kinh tế của người dân.

 

                                                                             ThS. Đào Viết Phúc 

Tài Liệu tham khảo: 

  1. Nguyễn Viết Thịnh (Chủ biên), Địa lý Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội, 2019.
  2. Nguyễn Quang Hải, Hồ Quang Đức, Khoáng sét đất Việt Nam trong mối quan hệ với quá trình hình thành đất, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội, tr. 58-68, 2019.
  3. Phạm Quang Hà, Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nền nhóm đất phù sa của Việt Nam, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Hà Nội, 2003.
  4. Những thông tin cơ bản về đất Phù Sa, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, 2010.