ĐỊA ĐẠO NAM HỒNG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân Nam Hồng (Đông Anh) đã xây dựng nên một hệ thống địa đạo liên hoàn giữa các gia đình, thôn xóm để phòng tránh những trận càn quét của địch, bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài. Địa đạo Nam Hồng là địa đạo đầu tiên ra đời ở Bắc Bộ, thể hiện sự độc đáo và sáng tạo của người dân, đóng góp chung vào nghệ thuật quân sự Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Nam Hồng là một xã nằm ở phía Tây bắc thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 20km. Địa hình ngoài những đặc điểm chung khu vực đồng bằng Trung du Bắc bộ, còn mang những đặc điểm riêng: thôn xóm mỏng, nhỏ, có nhiều tre, ao, hồ, đường làng quanh co; thuận lợi cho xây dựng hệ thống hầm hào, chiến lũy, hạn chế sức tấn công của địch.

Từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, công tác xây dựng làng xã chiến đấu đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Nhân dân đã trồng tre, chặt cây làm cổng dong ở ngoài đồng để rào làng. Đồng thời, đào sâu từng hố giữa đường, đắp ụ chắn từng khúc. Đóng cọc cản xe tăng, cải tạo các con đường thẳng trong thành ngoằn ngoèo để thuận tiện đánh du kích. Thời điểm này hầm bí mật và hệ thống địa đạo chưa hình thành. 

Bước sang thời kỳ tạm chiến năm 1947, các cơ quan đầu não và cơ sở cách mạng chuyển dần về các vùng ven ngoại thành hoạt động bí mật. Từ đó, Pháp không ngừng tăng cường các hoạt động càn quét các cơ sở cách mạng. Công tác cải tạo địa hình, xây dựng công sự của Nam Hồng chuyển từ công khai vào bí mật. Sau khi được thành lập (4-1-1947), đội du kích xã cùng nhân dân trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào ở bên ngoài làng sát với lũy tre với chiều sâu hơn 1m, rộng 1,2m -1,4m. Đất đào được đắp lên chân các bụi tre, tạo thành các ụ kiên cố. Đồng thời, nhân dân Nam Hồng phá đường, đắp chướng ngại vật, xây dựng hàng trăm hầm bí mật ở khắp nơi trong làng từ ngoài đồng vào đến đường làng, trước ngõ, rồi đến từng nhà, từng người để ngăn chặn xe quân sự, bộ binh của Pháp. Lúc mới hình thành hầm bí mật còn nhiều nhược điểm, dễ bị địch phát hiện. Qua thực tế chiến đấu, hầm bí mật ngày càng được cải tiến tốt hơn. Nắp hầm có thể tự động đóng không cần người ở trên đậy nắp và ngụy trang như trước. Dưới hầm không chỉ có một ngăn mà ít nhất có hai ngăn để đảm bảo an toàn nếu địch phát hiện. Nhân dân còn làm hầm chứa lương thực, của cải để phòng cháy và chống địch cướp phá, là kho ngầm nuôi sống quân và dân vượt qua những ngày khó khăn. 

H1: Hệ thống giao thông hào được đào sát với bụi tre tạo thành hàng rào kiên cố 

Năm 1952, Pháp tăng cường càn quét các làng xã. Chính quyền đã chỉ đạo toàn dân trong xã tham gia cải tạo địa hình, biến mỗi thôn thành một pháo đài, mỗi nhà là 1 ổ tác chiến, mỗi người dân là một dân quân. Chỉ trong 1 đợt xây dựng làng chiến đấu, nhân dân đã làm được 380 ụ tác chiến, sữa chữa và phát triển thêm 7km đường hào, củng cố và đắp mới 29.570 m thành lũy nhiều tầng. Mỗi gia đình đều có từ một đến hai hầm tránh đại bác và cất giấu đồ đạc. Làng chiến đấu Nam Hồng được hoàn chỉnh hơn trước nhất là ở các thôn Vệ, Tằng My, Đìa, Đoài. 

Nhân dân Nam Hồng đề ra phương án đào đường hầm nối liền các thôn xóm với nhau một cách liên hoàn và tổ chức thành từng cụm chiến đấu để hình thành nên hệ thống địa đạo trong lòng đất. Với cách làm, từng gia đình, thôn xóm nhận phần đất khoán riêng, vừa sản xuất, vừa tranh thủ đào đường hầm. Bằng cách làm đơn giản, một người sử dụng cuốc ngắn đào đất xúc vào rổ, buộc dây thừng cho người đứng trên miệng đường hầm kéo lên, dần tạo nên những con đường sâu trong lòng đất. Điểm khác biệt ở địa đạo Nam Hồng so với các địa đạo khác ở chỗ, các hầm bí mật của từng gia đình được nối liền với đường hầm chung của toàn thôn, thành một mạng lưới địa đạo giao thông ngầm bí mật, liên hoàn trong lòng đất dạng xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh hành một cụm chiến đấu vững chắc, tạo thành trận địa nhiều lớp. Địa đạo cùng với hệ thống giao thông hào, lũy tre, thành lũy trên mặt đất đủ để ngăn chặn bước tiến của địch, tạo ra lối di chuyển thuận lợi, bí mật giúp nhân dân bảo toàn được lực lượng. 

H2: Hầm bí mật của các hộ gia đình, thôn xóm được kết nối liên hoàn với trục chính dạng xương cá.

Để hiểu rõ hơn về hệ thống địa đạo Nam Hồng năm xưa, chúng tôi tìm tới gia đình bà Phạm Thị Lai, thôn Vệ. Trong căn phòng ngủ của bà Lai hiện còn sót lại một cửa hầm đi xuống địa đạo. Lối đi xuống địa đạo nằm ở dưới gầm giường căn phòng ngủ, bên trên đặt một tấm bê tông hình vuông khá nhỏ (trước đây được ngụy trang bằng gạch), chỉ vừa đủ cho một người lớn chui xuống. Có một chiếc thang sắt được gắn vào vách hầm để lên xuống. Một đoạn tường địa đạo được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm. Theo bà Lai, đó là đoạn địa đạo nguyên bản còn sót lại. Địa đạo có chiều cao hơn 1m, rộng từ 1,2-1,4m. Đi tiếp sẽ thấy một đoạn địa đạo khác, hiện được chính quyền và cơ quan chức năng đặt những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh địa đạo với mục đích chống sập. Bà Lai chia sẻ: "Dưới sự chỉ huy của cán bộ xã, toàn thể nhân dân Nam Hồng đã tập trung đào địa đạo chủ yếu vào ban đêm, đất được cho vào bao tải rồi đổ xuống ao để địch không phát hiện. Đoạn địa đạo Nam Hồng đầu tiên hình thành ở xóm Phó, thôn Đoài dài hơn 200 m. Chỉ sau khoảng 1 năm, đến đầu năm 1948, địa đạo Nam Hồng đã dài tới gần 11 km. Các tuyến địa đạo nối liền nhà này với nhà kia, có trục chính và hàng chục nhánh nhỏ, thành hình xương cá". Bản thân anh trai bà tham gia du kích nên Pháp và tay sai đã ở nhà bà 7 ngày để theo dõi nhưng vẫn không phát hiện được cửa hầm bí mật dưới gầm giường do được ngụy trang rất kỹ.

Theo bà Lai, đến nay dân làng vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện khá thú vị về địa đạo này: "Trong một đợt càn năm 1954, địch phát hiện được một miệng địa đạo nhưng không dám xuống. Chúng lấy dây thừng buộc ngang thắt lưng cụ Long, một người dân trong làng, rồi bắt cụ xuống địa đạo kêu gọi du kích ra hàng. Cụ đi một mạch đến nơi du kích đang ẩn nấp, bảo anh em cắt dây thừng và ở luôn dưới địa đạo. Bọn địch ngồi trên miệng địa đạo chờ, nhưng càng chờ càng thấy mất hút. Chúng giằng co, đùn đẩy, cuối cùng không ai dám chui xuống đường hầm”.

               H3: Ngôi nhà gia đình cụ Phạm Thị Lai nơi dẫn xuống địa đạo (Ảnh chụp năm 2014)

               

H4: Lối đi xuống địa đạo được đặt ở gầm giường trong căn phòng ngủ của gia đình

H5. Một cầu thang sắt được gắn vào vách để lên xuống địa đạo

             

H6. Hai bên cửa hầm được xây bằng gạch, trần uốn cong dạng mái vòm để thuận tiện cho việc di chuyển

H7. Bên trong địa đạo được gia cố bằng bê tông cốt thép để chống sụt lún. Có thể nhìn thấy các nhánh địa đạo ở các bên

H8. Cây mít - Pháp dùng hành quyết nhiều dân quân du kích trong làng trong thời gian ở nhà cụ Phạm Thị Lai (Ảnh chụp năm 2014)

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nam Hồng đã bị địch càn quét  244 lần, đốt 2047 nóc nhà, cướp 346 tấn thóc, 77 trâu bò, 1020 lợn. Quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường và nhiều vũ khí quân dụng khác. Hiện nay một số hiện vật này đã được lưu giữ và trưng bày tại phòng truyền thống xã Nam Hồng. 

Địa đạo kháng chiến Nam Hồng thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, là biểu tượng hào hùng của nhân dân Nam Hồng, đúng như  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét trong một dịp đến địa phương: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt…Hệ thống địa đạo ở Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp”. Địa đạo kháng chiến Nam Hồng được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa ngày 23/1/1996. 

H9. Một số hiện vật thu được của Pháp được trưng bày trong nhà truyền thống xã Nam Hồng

Hiện nay, địa đạo Nam Hồng đã bị xuống cấp do nằm sâu dưới lòng đất và  chịu tác động của khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều nên chỉ còn 200m/11km đường hầm, 2/9 cửa xuống hầm, khoảng 100m giao thông hào. Nhà nước đã đầu tư kinh phí tôn tạo từng bước để bảo tồn và phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, địa đạo cũng được đưa vào thiết kế trong hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội trong chủ đề: “Chống Pháp xâm lược” như một trang sử, thể hiện sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. 

 

                 

                                                                                       Ths.Kiều Tuấn Đạt

Tài liệu tham khảo:

1.Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh (1930-2005), NXB Hà Nội, 2005

2.Địa đạo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đặng Việt Thủy biên soạn, NXB Hồng Đức, 2018