THÀNH CỔ SƠN TÂY, GIÁ TRỊ LỊCH SỬ-VĂN HOÁ

            Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa về phía Tây với hơn 50km là một công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng: Thành cổ Sơn Tây. Thành Sơn Tây là một trọng trấn của toàn bộ khu vực phía Tây thành Hà Nội. Vậy, Thành có giá trị-lịch sử văn hoá như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu. 

1. Thành cổ Sơn Tây-một trong tứ trấn của Thăng Long-Hà Nội, một trung tâm kinh tế-văn hóa Tây Hà Nội. 

            Theo thư thư tịch cổ, ít nhất thì trấn thành Sơn Tây đã xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng trấn giữ phía Tây của kinh thành Thăng Long. 

            Đến thời Nguyễn, khi các vua nhà Nguyễn quy hoạch khu vực phía Bắc đã vẫn lấy Thăng Long đổi thành trấn Bắc Thành là trung tâm. Đồng thời nhà Nguyễn cũng bố trí các vùng đất xung quanh tạo thành bốn trấn phên giậu che chở, bảo vệ Thăng Long và cũng tạo thành thế bàn đạp để vươn ra cai quản và nắm giữ các vùng biên cương của tổ quốc. Bởi vậy, khu vực thành cổ Sơn Tây đã một thời trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế quan trọng của cả khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Năm 1883, bác sỹ Hocquard C.E người Pháp khi vào quan sát dấu tích còn lại của toà thành sau cuộc chiến đã ghi nhận: 

            “Con phố đẹp nhất của Sơn Tây chạy về phía sông Hồng. Chính trên con phố này diễn ra hầu hết các hoạt động buôn bán trong thành. Trước cuộc chiến, Sơn Tây có gần 2 vạn dân và là nơi kinh doanh sầm uất các mặt hàng tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá và trầu cau. Hiện nay (1883-TTT) thành phố đã thu gọn lại, chỉ có chưa đầy 5 ngàn dân. Hoạt động kinh doanh duy nhất còn lại là hoạt động bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho binh lính của chúng tôi” (Hocquard C.E: Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, Nxb Hà Nội 2020: trang 139)

            Do vị trí quan trọng như vậy, đã một thời thành Sơn Tây là nơi đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên để bảo vệ và giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc, Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ, một nửa tỉnh Hà Tây và huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Chính quyền nhà Nguyễn đã sử dụng Sơn Tây là hậu cứ để vươn tới cả một vùng biên giới xa xôi ở phía Bắc và Tây Bắc. 

2. Chứng cứ về một thời kỳ xây thành, đắp luỹ dày đặc ở Việt Nam dưới thời Nguyễn.

            Thời Nguyễn là một thời kỳ xây dựng thành luỹ nhiều nhất ở Việt Nam. Lý do của  dviệc xây thành này được chú ý bởi bối cảnh thế giới Đông Tây thời kỳ này mở rộng hơn bao giờ hết. Các cuộc thực dân chiếm đất làm thuộc địa diễn ra ở hầu khắc trên thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của tàu thuyền và súng ống. Chính trong bối cảnh như vậy, các toà thành phòng thủ trên thế giới cũng được chú ý xây dựng để chống lại các hoả lực tiến công. Điển hình là kiểu thành Vauban vốn được phát minh từ thế kỷ thứ 17 ở Pháp. Chính vì vậy, nhà Nguyễn đã xây dựng ở khắp Việt Nam kiểu thành này. Công trình đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn năm 1790, theo thiết kế của một nhóm sỹ quan Hải quân người Pháp. Sau đó các nhà xây dựng thành quách Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và xây dựng những toà thành tiêu biểu như thành Thăng Long (1803-1805), thành Hải Dương (1804), Thành Bắc Binh (1805), Huế (1804-1819), thành Sơn Tây, thành Quảng Trị (1822), thành Thanh Hoá (1828), thành Hà Tĩnh (1830), thành Nghệ An (1831), thành Hưng Yên (1832), thành Nam Định (1833), thành Đồng Hới và Thái Nguyên (1837)…

Hoàng thành Thăng Long 

           

Thành cổ Quảng Trị

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, hiện nay thành Sơn Tây là còn những dấu tích tốt nhất để chúng ta thể nghiên cứu minh chứng cho kỹ thuật xây dựng các công trình quân sự phòng thủ của Việt Nam ở phía Bắc vì hầu hết các toà thành khác (kể cả thành Hà Nội) đều đã bị cơ bản đã bị mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại. 

Trên hiện trường ngày nay, thành Sơn Tây được kiến trúc kiểu thành Vauban, một loại thành quân sự của Pháp ra đời vào cuối thế kỷ 17. Mô hình của loại thành này đã được nhân rộng trong phạm vi cả nước dưới thời Nguyễn. Thành Sơn Tây có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài gần 330m, tường thành được xây bằng đất đá ong rất bền vững. Gạch dài 0,6m, rộng 0,3m, dày 0,2m. Tường thành xây xong để mộc không trát ngoài. Hầu hết các đoạn tường thành còn lại hiện nay đều đã bị sạt lở, không đủ kích thước ban đầu, đoạn cao nhất ở vị trí cổng Nam, chiều cao đo được từ đỉnh tường thành xuống đến mặt đất hiện tại là 3,75m, phía trên xây tường đặt ụ súng cao 0,9m, nhiều đoạn tường đã bị sạt phá hoàn toàn. Căn cứ vào những dấu tích hiện tồn và kết quả khai quật ở vị trí cổng Đông có thể xác định chiều cao của tường thành Sơn Tây khoảng 4,5m, tương ứng với kích thước được ghi chép trong sử sách (1 trượng, 1 thước). Tường thành dày 1,5m, phía trong được đổ đất đồi lalerite màu đỏ nện chặt theo từng lớp, đất đắp dốc thoải từ đỉnh tường thành xuống đến chân tường thành. Hướng chính của thành Sơn Tây là hướng Nam, chính giữa mỗi mặt tường thành đều đắp lồi ra phía ngoài theo dạng hình bán nguyệt gấp khúc, dài khoảng 30m, rộng 20m. Bốn mặt thành có 4 cổng nằm ở 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Hiện nay chỉ còn lại phế tích hai cổng Nam và Tây, cổng Bắc đã được trùng tu lại vào năm 1996, còn cổng Đông thì đã bị triệt giải hoàn toàn và đều có một mẫu thức giống nhau, cao trên 6m, rộng 8,6m, chính giữa xây cuốn vòm cao 3,95m, rộng 3,6m. Móng của các trụ cổng dài 5m, rộng 2,5m, cao 0,14m. 

Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học ở đây đã tìm hiểu bước đầu được các dấu tích của kỹ thuật bó nền, bó móng cùng các liệu xây dựng truyền thống như gạch đá ong, gạch vồ, ngói lợp âm dương được tráng men vàng có hoa văn mẫu đơn, hình chữ Thọ, màu men sáng bóng thể hiện trình độ chế tác cao.

3. Chứng nhân của lịch sử một thời

Ngày 25/8/1883, Hoà ước Harmand do nhà Nguyễn yếu đuối ký kết chính thức công nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp. Hoà ước đã quy định triệt hồi, Pháp tự do đóng đồn dọc theo sông Hồng và đánh nhau với quân Cờ Đen. Tuy nhiên, người Việt vẫn vùng lên kháng Pháp. Do vậy, thực dân Pháp đã mở chiến dịch đánh chiếm các tỉnh thành Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Tuyên Quang và thành Sơn Tây. Để đánh chiếm thành cổ Sơn Tây, Đô đốc Courbet chỉ huy chia làm hai đường thuỷ bộ có cả một hạm đội và nhiều thuyền gỗ vận tải. Trấn thủ trong thành có 5 ngàn quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy, phía ngoài về phía Tây Nam thành, tại làng Vân Gia có 5 nghìn quân của Hoàng Kế Viêm. Hai bên đánh nhau quyết liệt trong nhiều ngày. Ngày 16/12 cửa Tây thành Sơn Tây thất thủ, quân Cờ Đen chết hàng ngàn người, quân Pháp chết hàng trăm người và được coi là trận chiến mà quân Pháp thiệt hại nhiều nhất. Do lấy được thành Sơn Tây, Pháp đã có vị trí vững vàng hơn và đã có Hoà ước Harmand ở Huế để tạo thế hoà nghị tiếp với nhà Thanh. Chiến bại của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đều có một bài học là không dựa vào sức dân. Trong khi đó triều đình Huế cũng không tranh thủ cuộc chiến Pháp-Thanh và không tin vào sức dân để kêu gọi kháng chiến bỏ qua cơ hội đấu tranh giành lại chủ quyền cho đất nước.

Như vậy, di tích thành cổ Sơn Tây đã nhắc ta nhớ lại những bài học của một thời kỳ lịch sử bi tráng của dân tộc với những thất bại của quân Cờ Đen và quân lính nhà Nguyễn trước sức mạnh của tàu đồng và đại bác của ngoại xâm. Ngược lại, chính toà thành những diễn biến lịch sử phức tạp thời đó toà thành lại minh chứng cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc, để một thời gian sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, người Việt Nam vẫn giành được thắng lợi cuối cùng. Thành Sơn Tây trở thành phế tích và di tích lịch sử có giá trị là vì thế. 

Cổng phía Tây của Thành cổ Sơn Tây

Hào nước

Bài và ảnh: Ngô Thị Thanh Thuý