THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI THỜI NGUYỄN

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đặt tên nước Ðại Nam đóng đô ở Huế, từng bước củng cố và xây dựng đất nước, đặt khu vực hành chính Bắc Thành gồm 11 tỉnh có thủ phủ là Thăng Long nhưng chữ Long (Rồng) được đổi thành chữ Long (Thịnh), đứng đầu Bắc Thành là một tổng trấn. Năm 1831, Minh Mệnh cải cách hành chính, tổng trấn Bắc Thành chuyển thành tỉnh Hà Nội. Thăng Long thời điểm đó là thủ phủ của tỉnh Hà Nội. 

Sau khi đã làm chủ đất nước, làm chủ Thăng Long, các kiến trúc cũ của Kinh đô Thăng Long thời Lê trung hưng đã bị xuống cấp khá trầm trọng. Do vậy, nhà Nguyễn đã xây dựng lại Thăng Long với vai trò mới là thủ phủ trấn Bắc Thành, sau đó là tỉnh Hà Nội, đồng thời cũng để đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của thời đại mới về kỹ thuật quốc phòng như sự thay đổi của kỹ thuật xây dựng thành luỹ, kỹ thuật quân sự mới của thế giới với sự phổ biến của những toà thành kiên cố, súng đạn, tàu thuyền và cùng với đó là sự giao thoa văn hóa Đông-Tây. 

Năm 1803, Hoàng đế Nguyễn Gia Long đã cho phá bỏ Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng để xây dựng một toà thành mới theo kiểu kiến trúc Vauban (Vô - băng) hình vuông theo phong cách phương Tây. Trên thực địa ngày nay, dấu tích các tường thành Hà Nội thời Nguyễn được xác định ở các khoảng vị trí sau: 

Mặt Bắc: Song song với đường Phan Ðình Phùng hiện nay, hiện còn cửa Chính Bắc với ba chữ Hán đề trên cổng thành “Chính Bắc môn”, nằm ở vị trí đối diện với phố Ðặng Dung. 

Mặt Nam: Khoảng đường Trần Phú. 

Mặt Tây: Song song với đường Hùng Vương hiện nay, đường Hùng Vương nằm ở sườn phía trong của tường thành. Cửa Chính Tây ở vào vị trí lăng Hồ Chủ tịch hiện nay. Khảo cổ học đã tìm thấy vết tích của móng tường, hào thành ở cửa Chính Tây và góc Tây Nam. 

Bản đồ: Thăng Long-Hà Nội thời Nguyễn (nguồn: Viện Khảo cổ)

  Mặt Ðông: Tương đương với đường Phùng Hưng hiện nay. Cửa chính Ðông ở vào quãng đầu phố Cửa Ðông nối với phố Lý Nam Ðế. 

Trong thành có những tuyến đường theo hai hướng Bắc - Nam và Ðông - Tây. Theo hướng Bắc - Nam có năm tuyến, hai tuyến chính (tương đương với Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương) chia thành ba khu vực: khu trung tâm, khu phía Ðông và khu phía Tây, hai tuyến còn lại chạy sát mặt Ðông (đường Lý Nam Ðế hiện nay) và mặt Tây thành (đường Ðộc Lập hiện nay). Theo hướng Ðông - Tây có bốn tuyến cách nhau tương đối đều (trong đó có 3 tuyến tương đương với các đường Lê Hồng Phong, Bắc Sơn - Cửa Ðông, Hoàng Văn Thụ hiện nay). Các tuyến đường này cắt nhau tạo thành các ô vuông (20 ô) kiểu bàn cờ. 

Olivier Tessier tính tổng chu vi thành là 5.728m, tổng diện tích 110.000m2, tường thành cao 5m, hào rộng 15m - 18m, sâu 5m (Olivier Tessier, Từ Thăng Long đến Hà Nội: Việc giáng cấp và phá huỷ Hoàng Thành ở thế kỷ 19, trong Phát lộ Hoàng thành Thăng Long thoáng nhìn đầu tiên về Di sản khảo cổ học Hà Nội. Nxb Thế giới,  2018: 288 - 289).

Bên ngoài mỗi cửa thành có Dương Mã thành (còn gọi là Mang Cá hay Giác Thành) - là một loại công sự gồm hai bức tường xây vuông góc nhô ra phía ngoài để bảo vệ thành. Mỗi Dương Mã thành có một cửa bên rộng khoảng 1 trượng (4m) gọi là Nhân Môn, từ ngoài vào phải qua Nhân Môn rồi mới đến cửa chính. Cách bố trí như vậy tạo điều kiện cho binh lính bảo vệ có thể công thủ đều tiện lợi.

Song song với việc xây dựng tòa thành mới hoàn toàn khác các tòa thành truyền thống và cũng là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Ðông - Tây, nhà Nguyễn theo điển chế đã phá bỏ dần các kiến trúc biểu trưng cũ của nhà Lê trung hưng, xây dựng các biểu trưng mới của thời đại mình: năm 1806, xây Ðàn Xã Tắc ở gần cổng Tây; năm 1812, xây Cột Cờ (Kỳ Ðài); năm 1815, dỡ điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng, xây dựng nhà Phan Vọng; năm 1821, xây lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu); năm 1822, xây điện thờ các vị vua đã quá cố; năm 1835, hạ tường thành Hà Nội xuống 0,72 cm; năm 1841 đổi tên nhà Phan Vọng là điện Long Thiên.

Như vậy, thành Hà Nội thời Nguyễn đã xây dựng trên cơ sở thành Thăng Long thời Lê trung hưng, nhưng quy hoạch năm 1821-1831 qua mô tả trong Ðại Nam nhất thống chí và bản đồ thời Nguyễn cho thấy rõ cách tổ chức không gian tỏa tiabổ trục trong thành Hà Nội vẫn là các kiểu bố cục kinh đô truyền thống của Việt Nam và phương Đông. Đáng chú ý, trong quy hoạch mới vẫn giữ nguyên tòa Ðoan Môn và nền điện Kính Thiên thời Lê trung hưng và bộ thành bậc chạm rồng thời Lê sơ. Tại khu Di sản Hoàng thành Thăng Long hiện vẫn còn giữ được một số di tích còn trên mặt đất (Bắc Môn, Kỳ Đài) và khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích Dương Mã thành và hào thành góc Tây Nam tại 62- 64 Trần Phú, một số dấu tích nền móng thành quách, cung điện ở trong khu vực chính điện Kính Thiên.

Có thể nói, thành Hà Nội thời Nguyễn là một tòa thành xây nối tiếp thành Thăng Long của các thời Lý- Trần- Lê sơ- Mạc- Lê trung hưng. Quy mô của tòa thành này theo xác định của giới nghiên cứu là gần trùng với tòa Cấm thành Thăng Long thời Lý- Trần- Lê (có thể có xê dịch to nhỏ hơn một chút). Các kiến trúc mới được xây dựng rất nhiều. Trong quá trình phá bỏ thành Thăng Long, nhà Nguyễn vẫn giữ lại được một vài di tích quan trọng của thời Lê trung hưng như di tích Đoan Môn, dấu tích nền điện Kính Thiên với bộ thành bậc đá còn tương đối nguyên vẹn thời Lê sơ. Bộ di vật này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2020. 

Toà thành mới đã phản ánh những nét mang tính thời đại của nó với bố cục kiểu thành “Ngôi sao” của thế giới và kỹ thuật “Vauban”. Tường thành được xây bằng gạch với kỹ thuật xây cất truyền thống đạt trình độ cao. Dù có nhiều nét mới nhưng tính truyền thống vẫn rất đậm đà thể hiện qua việc sử dụng nhiều gạch vồ, cách xây dựng móng tường, móng cột, kiểu bố cục hướng tâm (toả tia) và đăng đối theo trục dọc chính tâm (bổ trục) đều theo nguyên tắc bố cục của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

                                                          Thanh Thuý - Ngọc Hòa