THẠP HOA NÂU THỜI TRẦN

 

Gốm men thời Trần lưu giữ ở Bảo tàng Hà Nội có số lượng khá lớn, loại hình phong phú với nhiều dòng gốm men khác nhau. Tuy không chiếm số lượng nhiều như hai dòng gốm men ngọc và gốm men trắng, nhưng những đồ gốm hoa nâu ở Bảo tàng Hà Nội có nhiều nét rất độc đáo. Trong số đó phải kế đến chiếc thạp hoa nâu có số đăng ký: BTHN 1500.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13-14)

(cao: 43,3cm, đk miệng: 20cm; đk đáy: 20cm)

Thạp hình ống, dáng thon cao, gờ miệng hơi loe, cổ lõm, thân vuốt thuôn đều về phía đế, đáy bằng, vai có hai quai nhỏ, cong, gắn đối xứng nhau, men trắng ngả vàng nhạt, bóng tráng đều khắp thân thạp. Trang trí trên thân thạp rất độc đáo. Toàn thân thạp chia làm ba băng trang trí và được ngăn cách bởi hai đường chỉ chìm chấm nâu. 

Băng trung tâm ở chính giữa là băng hoa văn có kích thước lớn lớn nhất trang trí hoa văn hoa lá uốn lượn theo kiểu hình sin. Các dây hoa hình sin không hiện rõ hoàn chỉnh mà “ẩn” dưới đường chỉ chấm nâu, trong các ô hình sin là các hình hoa mẫu đơn kích thước lớn, các móc hoa đều có cánh hoa hình móc câu uốn lượn tự do, dàn trải, thưa và thoáng. 

Đáng chú ý nhất là băng hoa văn trên cùng với hai bông mẫu đơn đối xứng xen giữa hai hình sư tử đắp nổi. Hoa mẫu đơn được thể hiện khá đơn giản, chỉ có 4 cánh hoa lớn xòe ra, hai bên là hai nhánh lá và nụ. Đôi sư tử được đắp nổi dáng hình thon khỏe, đầu ngẩng cao, bờm lưng mô phỏng vây rồng, lông phủ kín mình sư tử thể hiện bằng hình hoa văn cách điệu kiểu caro, đuôi sư tử lớn, dài, uốn cong lên. Toàn bộ hình tượng thể hiện hình sư tử đầu vươn cao, thân đang gồng lên như đang thể hiện sức mạnh vô địch của chúa sơn lâm. Hình sư tử không tô nâu mà chỉ đắp nổi rồi phủ men. 

Trang trí hình sư tử đắp nổi phủ men trên vai thạp gốm.

Băng hoa văn dưới cùng thể hiện hình sóng nước. Hoa văn sóng nước ở đây thể hiện cũng thật khác lạ: dưới cùng là lớp sóng nhỏ uốn lượn đều đặn, các đợt sóng bên trên quãng cách rất thưa và đột ngột nhô lên rất cao, mỗi đợt sóng được thể hiện khá tự do nhưng vẫn tôn trọng quy luật diễn đạt hoa văn sóng nước hình núi. 

Có thể nói, chiếc thạp hoa nâu này rất đáng chú ý, bởi: 

Thứ nhất, thạp gốm hoa nâu hình ống, dáng thon cao tuy không phải ít gặp trong thời Trần, nhưng ở chiếc thạp này dáng thon vượt trội là đặc trưng  gần gũi với một số kiểu thạp, bình thời Lý. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của truyền thống sản xuất gốm từ thời Lý sang thời Trần thể hiện rất rõ trên kiểu dáng của chiếc thạp này. 

Thứ hai, hoa văn trên thạp gốm hoa nâu Việt Nam nói chung khá phong phú và biến hóa muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên hình hoa văn sư tử đắp nổi trên gốm men đến nay mới chỉ thấy trên thạp gốm này.

Hình hoa mẫu đơn tô nâu

Hoa nâu diễn tả chủ đề hoa mẫu đơn và sóng nước ở đây có tốc độ biến hóa rất cao. So với các kiểu hoa mẫu đơn và sóng nước chuẩn trên các tác phẩm điêu khắc đá ở các chùa tháp và cung điện Thăng Long thời Trần, với lợi thế của que khắc vạch và bút tô nâu, nghệ sỹ thời Trần đã thoải mái biến hóa làm cho hoa văn có diễn biến rất nhanh. Nghệ nhân đã bỏ qua hầu hết các tiểu tiết tỷ mỷ, chỉ hướng vào các họa tiết chính. Điều đó làm cho tổng thể bố cục hoa văn vừa chặt chẽ nhưng vẫn đạt được nét phóng khoáng làm cho người xem luôn cảm nhận rõ được nét khỏe đẹp của nghệ thuật thời Trần. 

 

Bài, ảnh: TS. Ngô Thị Thanh Thúy