Nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ gia đình ông Đỗ Kim Bằng là cháu của đồng chí Đỗ Ngọc Du – Nguyên Bí thư Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội, ở một con ngõ đường Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy. Đón chúng tôi bằng nụ cười và cái bắt tay ấm tình, thông qua trí nhớ và tài liệu lưu trữ mà gia đình đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, ông cởi mở kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chú ruột mình (đồng chí Đỗ Ngọc Du).
Thuở thiếu thời
Đồng chí Đỗ Ngọc Du có bí danh là Phiếm Chu sinh ngày 20 tháng 5 năm 1907 tại Hải Dương, nguyên quán làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, bố tên là Đỗ Ngọc Tiến, công chức Sở Công chính thành phố Hải Dương, mẹ tên là Nguyễn Thị Quán, buôn bán hàng vải. Ông bà sinh được 7 người con: 4 người con trai, 3 người con gái, ông là người con thứ 2 trong gia đình.
Năm 1922, đồng chí Đỗ Ngọc Du thi đậu vào trường trung học bảo hộ, còn gọi là trường Bưởi, ngôi trường do Pháp xây dựng. Vốn là một trong những học sinh chăm chỉ, thông minh, đồng chí nhanh chóng tiếp thu tinh hoa văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc và nền văn minh phương Tây. Đồng thời, ở trong trường đồng chí đã được gặp gỡ các bạn bè cùng chí hướng như Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Nguyễn Văn Cừ… Họ đã tìm cách liên lạc với những người yêu nước và truyền tay nhau đọc các sách báo yêu nước, tiến bộ và cách mạng như: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và những bài viết của Phan Chu Trinh; sách báo cách mạng như: Nhân đạo, Người cùng khổ, Việt Nam hồn, đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Nhờ đó, đồng chí Đỗ Ngọc Du và các bạn hiểu sâu hơn về tình hình đất nước và càng quyết tâm nuôi ý chí chiến đấu cho sự nghiệp cao cả: giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, nô lệ. Đồng chí tham gia phong trào đấu tranh chính trị, biểu tình phản đối công khai chính quyền Pháp đòi thả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), vận động học sinh để tang cụ Phan Châu Trinh. Vì những hành động cách mạng như trên, nhà trường đã đuổi học đồng chí Đỗ Ngọc Du và những người đứng ra tổ chức lãnh đạo học sinh trong trường
Những bước chuẩn bị…
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1926, đồng chí Đỗ Ngọc Du về cư trú cùng với người anh họ là Đỗ Đình Khôi tại một ngôi nhà ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân). Hàng ngày, đồng chí đến thư viện Trung ương (nay là thư viện quốc gia) để tìm và nghiên cứu những sách kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và giữ mối liên lạc với những người bạn chung chí hướng. Từ những tài liệu được đọc và tiếp thu, đồng chí đã giác ngộ và sáng tỏ tính chất của chủ nghĩa đế quốc nói chung và chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng. Và điều đặc biệt quan trọng, đồng chí đã tìm ra được con đường cần phải đi để có thể đưa cách mạng đến thắng lợi. Từ đó, ngôi nhà trở thành nơi lui tới của các bạn cùng chí hướng như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lều Thọ Nam. Đồng chí cùng với những người bạn còn đi về các địa phương, các tỉnh xa để liên lạc với những người cùng lý tưởng và xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Cũng trong thời gian này, đồng chí đã tiếp xúc được với đồng chí Nguyễn Công Thu, người được đồng chí Nguyễn Ái Quốc cử về Việt Nam để tìm và bắt mối với những thanh niên yêu nước, đưa đi nghiên cứu, học tập ở Trung Quốc về lý luận và thực tiễn cách mạng của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
Tháng 10/1926, đồng chí Nguyễn Công Thu đã tổ chức được một đoàn gồm các thanh niên yêu nước trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc Du theo đường xe lửa theo lối Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc gặp tại trụ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng. Đồng chí đã được dự lớp tập huấn thứ 2 do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền đạt những bài giảng về Chủ nghĩa Cộng sản, chiến thuật cách mạng và phương pháp tuyên truyền cách mạng trong quần chúng. Thời gian học kéo dài đến tháng 1/1927, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Cộng sản đoàn.
Đi vào cuộc chiến…
Tháng 2/1927, đồng chí Đỗ Ngọc Du trở lại Việt Nam và được phân công tại Bắc Kỳ, phụ trách việc xây dựng phong trào tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An. Tại đây, đồng chí đã tuyên truyền cách mạng, phong trào yêu nước rộng rãi trong quần chúng và xây dựng được cơ sở ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học. Nhiều tổ chức hội được thành lập, một số chi bộ Thanh niên cách mạng lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các giới đòi quyền lợi cho nhân dân lao động.Từ Hải Phòng, đồng chí còn tổ chức mạng lưới liên lạc đi vào Trung Kỳ, Nam Kỳ, sang Trung Quốc và quốc tế, tổ chức việc đưa đón cán bộ ra nước ngoài, chuyển tài liệu từ quốc tế phân phối về các địa phương trong nước.
Đại hội Thanh niên Bắc kỳ
Ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại biểu Đại hội toàn kỳ lần thứ nhất. Đại hội đề ra các chủ trương cho các hội viên phải đi vô sản hóa để rèn luyện mình và phát triển phong trào cơ sở. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Kỳ bộ Thanh niên. Đồng chí Trần Văn Cung được phân công làm Bí thư. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được phân công phụ trách tài chính, giao thông liên lạc và các địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Nam Định. Đồng chí đã tổ chức một xưởng sửa chữa ô tô ở số nhà 20 phố cửa Đông. Thực tế, đây là cơ quan tài chính và cơ quan giao thông liên lạc của Kỳ bộ Bắc Kỳ. Trong 2 ngày, 28-29/4/1929, đồng chí đã dùng xe ô tô của xưởng đưa hơn 20 đại biểu từ Hà Nội lên Sơn Tây để dự Đại hội lần thứ 2 của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại đồn điền ở Kim Đái, huyện Tùng Thiện. Việc tổ chức đưa đón các đại biểu tới hội nghị và trở về địa phương đảm bảo tuyệt đối bí mật, chu đáo và an toàn.
Con đường đi tới xây dựng tổ chức Cộng sản ở Việt Nam
Chi bộ Cộng sản đầu tiên
Từ cuối năm 1928, đầu năm 1929, những người lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ nhận thấy tổ chức thanh niên không đáp ứng được yêu cầu về sự lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam và đi đến kết luận cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, phương pháp hoạt động đúng đắn hơn, có cương lĩnh rõ ràng hơn, cơ sở quần chúng rộng rãi hơn mới đưa phong trào cách mạng đi lên được. Vì vậy, đầu tháng 3/1929, những người chủ chốt trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập tổ chức cộng sản. Chi bộ Cộng sản đầu tiên gồm 8 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Kim Tôn, Dương Hạc Đính, Nguyễn Phong Sắc.
Đông Dương Cộng sản Đảng
Ngày 17/6/1929, tại căn nhà số 312 phố Khâm Thiên, Đại biểu các tổ chức Cộng sản mới thành lập đã họp và quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua chính cương, tuyên ngôn, điều lệ Đảng và lấy cờ đỏ, búa liềm làm cờ của Đảng. Ở Hà Nội, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng cũng được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du – Bí thư Xứ uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc kỳ kiêm Bí thư Thành bộ Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành bộ, đứng đầu là đồng chí Đỗ Ngọc Du, phong trào cách mạng ở Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các nhà máy đã có Công hội đỏ: điện, nước, xưởng sửa chữa ô tô A-Vi-A, ga Hàng Cỏ… Vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở làng Ngọc Hà, Bưởi, Mọc, Khương Thượng…Các tổ chức học sinh có cơ sở ở các trường cao đẳng Thương Mại, Sư Phạm, trường Bưởi, Sinh Từ… Tháng 9/1929, Tổng hội Sinh viên được tổ chức tại Hà Nội, ra báo “Người sinh viên” do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Cơ sở quần chúng của Hà Nội còn đi sâu, mở rộng ra các đường phố và những cơ quan đầu não, những vị trí quan trọng của Pháp: Phủ Toàn quyền, Nha Tổng Giám đốc tài chính Đông Dương. Những điểm này trở thành cơ sở an toàn, mạng lưới rộng lớn đảm bảo cho việc đặt cơ quan chỉ đạo, làm việc, hội họp, liên lạc, in ấn, cơ quan tuyên truyền phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động của Đảng.
Thành bộ Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động cổ vũ phong trào như: ngày phản đối chiến tranh đế quốc ngày 1/8/1929, ngày Kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười bằng việc phát hành hàng vạn truyền đơn, sách báo rải khắp các nhà máy, đường phố, trại lính và nhiều thôn, xã ngoại thành. Đồng thời, đồng chí Đỗ Ngọc Du còn được Trung ương giao làm nhiệm vụ phụ trách phần liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Xô Viết Long Châu bằng đường dây của Đảng bộ Bắc kỳ.
Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ thành phố Hà Nội
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng), hội nghị hợp nhất Đảng đã tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi kiện đặc biệt quan trọng đó, ngày 17/3/1930 tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm) – nhà riêng của đồng chí Đỗ Ngọc Du, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du – Bí thư, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam – ủy viên. Nhận thấy nguy cơ trước sự ra đời và lớn mạnh của các tổ chức cộng sản, chính quyền Pháp đã ra tay đàn áp, truy bắt, đánh phá các cơ sở cách mạng như ở cơ quan giao thông số 20 cửa Đông. Đồng chí Đỗ Ngọc Du là một trong những người bị Pháp săn lùng rất ráo riết vì ông giữ vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng. Chính vì vậy, Trung ươngđã điều đồng chí ra nước ngoài đảm nhận nhiệm vụ mới từ ngày 20/3/1930.
Nhiệm vụ mới
Sang Trung Quốc, đồng chí Đỗ Ngọc Du đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân công làm nhiệm vụ vận động binh lính Pháp và Việt Nam tại tô giới Pháp ở Thượng Hải. Trong thời gian hoạt động, đồng chí đã dần gây dựng được một số cơ sở trong đội ngũ binh lính Pháp; trực tiếp biên soạn, in ấn và phát hành truyền đơn bằng tiếng Pháp để tuyên truyền, vận động trong các dịp kỷ niệm cách mạng; biên tập và phát hành các tờ báo “Hồng quân” bằng tiếng Pháp, tờ “Kèn gọi lính”. Đồng chí thường liên hệ với các tổ chức của ta, giữ mối liên lạc với các đồng chí lãnh đạo trong Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Châu và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đối đầu quyết liệt
Tháng 6/1931, đồng chí Đỗ Ngọc Du và Nguyễn Lương Bằng bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và được dẫn giải về Sài Gòn, sau đó giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò. Thực dân Pháp biết rất rõ đồng chí giữ vị trí quan trọng trong Đảng, nắm được nhiều chủ trương, tình hình cơ sở, bí mật của Đảng nên dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man để khai thác thông tin nhưng bất thành. Kết thúc việc hỏi cung vào ngày 8/10/1931, thực dân Pháp đã đưa ông ra xét xử tại hội đồng đề hình từ ngày 15-17/11/1931 khép đồng chí vào những tội có thể xử tử hình. Tại phiên tòa xét xử, ông đã dùng lý lẽ sắc bén, tự bào chữa cho chính mình, đồng thời bác bỏ những tội danh vô căn cứ mà tòa định gán cho đồng chí “Đảng Cộng sản đấu tranh cho chính nghĩa, những quyết định của Đảng đều quang minh, chính đại, vì dân, vì nước. Ai có tội đều bị xét xử đoàng hoàng, cá nhân đồng chí không thể quyết định được và việc ghép đồng chí vào cái tội đó là vô căn cứ vì không có chứng cớ. Kết luận vu vơ là không đúng.” Do không thể khép vào tội tử hình, chúng kết án đồng chí “khổ sai, chung thân” và đày lên nhà tù Sơn La. Tháng 12/1933, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, Pháp tiếp tục kìm kẹp, hành hạ đồng chí với nhiều thủ đoạn. Đồng chí đã bị nhiễm lao nặng; Tuy nhiên với ý chí cách mạng, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên trung, bảo vệ tổ chức, tiếp tục lãnh đạo anh em đấu tranh, bãi thực đòi cải thiện đời sống cho tù nhân, phản đối đánh đập, hành hạ anh em tù nhân. Tổ chức học tập chính trị, viết báo, dịch sách, dậy anh em học hát, học văn hóa, tuyên truyền giác ngộ anh em tù nhân dưới lá cờ của Đảng.

Những tư liệu về đồng chí Đỗ Ngọc Du được gia đình ông Đỗ Kim Bằng sưu tầm trong nhiều năm, trong đó có những tư liệu quý được khai thác từ nước ngoài
Người con của quê hương
Khi được chúng tôi hỏi về những kỷ niệm, ấn tượng của ông với người chú của mình, ông kể: “Tháng 11/1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi. Từ phong trào đòi thả tù chính trị, chú tôi đã được thả tự do cùng với nhiều tù nhân khác. Một toa riêng được cắt lại và đỗ ở ga; Chúng tôi hồi hộp chờ đợi giây phút được trông thấy chú tôi. Tôi có cảm giác như đi đón một người từ thế giới xa lạ nào đó trở về. Trước mắt chúng tôi là một con người gầy gò, xanh sao, mặc đồ tù cũng màu xanh, trông lại càng xanh hơn, nhưng rất nhanh nhẹn, bước từ trên toa tàu xuống, chạy vội đến chỗ cả nhà chúng tôi đứng chờ trên sân ga, ôm lấy tất cả chúng tôi, vẻ xúc động hiện rõ trên nét mặt. Ai đấy đều nghẹn gào reo lên “Anh đã về” “Chú đã về”. Rồi nắm tay, nắm vai, xoa lưng chú tôi xót xa “Sao xanh thế! Sao gầy thế”. Ai cũng cố nén để khỏi bật lên tiếng khóc, nhưng ai cũng đầm đìa nước mắt và đâu đó có những tiếng nấc, sụt sùi…Riêng tôi lúc đó vì còn quá trẻ chỉ biết ngây ra nhìn, chỉ thấy và nhớ rõ nhất là đôi mắt chú tôi, nó rất sáng, như là có một ngọn lửa rực lên ở đó. Ấn tượng đầu tiên là thấy trong cái con người gầy gò, ốm yếu đó toát lên một sự thông minh, lanh lẹn và kiên nghị khác thường.”
Ở quê nhà không được bao lâu, đồng chí được đưa lên Hà Nội, tiếp tục bị quản thúc tại một căn nhà nhỏ trên phố Ngũ Xã. Tuy nhiên, đồng chí tiếp tục liên lạc với các tổ chức Đảng, viết bài cho các tờ báo công khai của Đảng. Ông kể: “Nhà của chú tôi chỉ đủ kê một cái giường đôi và một cái bàn, vài cái ghế. Bên trong là một cái sân nhỏ và một cái bếp. Tôi không rõ ở đây chú tôi làm gì, chỉ biết là thấy đọc sách và viết lách gì nhiều lắm”. Do những năm tù đày, bị tra tấn đày ải dã man, sức khỏe của chú tôi giảm sút, lại do bệnh lao trầm trọng. Những trận ho kéo dài, trong đờm có máu nhưng chú tôi vẫn ôm lấy ngực và gắng làm việc như thể chạy đua với thời gian ngắn ngủi còn lại”
Đồng chí Đỗ Ngọc Du đã qua đời ngày 12/1/1938 khi mới 31 tuổi, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, bạn bè, các đồng chí và đồng bào. Đám tang đồng chí được tổ chức trọng thể, là một trong 3 đám tang lớn đối với người chiến sỹ cách mạng. Đồng chí an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà Tả Thanh Oai. Tên của ông đã được đặt tên trên một con phố ở Hai Bà Trưng, Hà Nội.

cho Bảo tàng Hà Nội
Kể đến đây, giọng ông bỗng dừng lại, có chút suy tư, trầm lắng nhưng rất đỗi tự hào về người chú của mình, người con của Hà Nội.
Sau khi được ông kể về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng đầy thăng trầm nhưng rất hào hùng của đồng chí Đỗ Ngọc Du, chúng tôi thế hệ trẻ sau này càng thêm hiểu hơn và trân trọng những cống hiến, đóng góp, hi sinh cao cả của các tiền bối cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Một chiến sỹ cách mạng kiên cường, gánh vác nhiều nhiệm vụ khó khăn, phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng, tạo nền móng vững chắc cả về lý luận và thực tiễn cho thắng lợi cách mạng nước ta.
Kết thúc buổi gặp gỡ, gia đình ông đã tặng toàn bộ những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đỗ Ngọc Du mà gia đình nhiều năm sưu tầm, lưu giữ cho Bảo tàng Hà Nội. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, bổ sung thêm cho kho tư liệu của Bảo tàng Hà Nội.
Th.s Kiều Tuấn Đạt