Áo Gile - chiến lợi phẩm của địch tại chiến trường Quảng Trị

 

Trong 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị, từ 28/6 đến 16/9/1972, ta và địch giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm vùng giải phóng Quảng Trị là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc chiến đấu này đã góp phần làm lên thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong quá trình đi sưu tầm, chúng tôi đã được gặp cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị-  Đỗ Quang Nghĩa (Sn 1949), quê ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội- ông là một người thuộc thế hệ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/ Học người xưa đi cứu non sông”.

Năm 1966, hưởng ứng tinh thần “hướng về miền Nam ruột thịt” người thanh niên Đỗ Quang Nghĩa lên đường nhập ngũ khi đó đang học lớp 9. Ông kể với chúng tôi nhập ngũ thuộc tiểu đoàn 5, sư đoàn 250 của quân Khu Việt Bắc. Đầu tiên, đơn vị ông đóng quân ở Hiệp Hòa (Hà Bắc). Do có trình độ cấp 3, ông được đơn vị lựa chọn đào tạo lớp đặc công tình báo gần 1 tháng ở trường hạ sỹ quan trung đoàn 1, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Cuối năm 1967, đơn vị ông có mặt ở chiến trường Quảng Trị. Trong những năm 1968- 1969,  ông thuộc đại đội Pháo binh ở Vị Linh “khi đó ở Vị Linh có 2 đại đội 11 và 13,  nhiệm vụ “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” (tức đơn vị ở ngoài Bắc sông Bến Hải còn các đài quan sát chúng tôi đi chinh sát pháo binh chỉ huy bắn đi vào trong miền Nam), đất Nam sông Bến Hải sâu nhất vào khoảng 15-20 km dọc theo vành đai McNamara hay gọi là hàng rào điện tử, chúng tôi hoạt động ở khu vực Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Cửa Việt. Nhiệm vụ của đơn vị là đài quan sát của lực lượng pháo binh mặt đất, chỉ huy pháo binh chi viện cho bộ binh tạo điều kiện để chia lửa cho chiến trường. Thậm chí đơn vị chúng tôi còn bắn pháo bờ biển, bắn pháo hạm vào tàu của Mỹ ở phía biển. Thời kỳ đó chúng tôi quan hệ với các đơn vị là các đài quan sát của các đơn vị đặc công của các đơn vị khác, tham gia chiến dịch giải phóng Quần Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ Đông Hà, chiến dịch năm 72 giải phóng thành cổ Quảng Trị.”

Ông Đỗ Quang Nghĩa sau khi tốt nghiệp Trường hạ sỹ quan Trung đoàn 1, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, tháng 6/1967 

(Ảnh: NVCC)

Nhắc về một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình tham gia chiến đấu đó là vào năm 1968, ông được nhận nhiệm vụ là chỉ huy đài quan sát pháo binh dẫn đường cho đơn vị đặc công của mặt trận B5. Đài quan sát thường có 5 đến 6 đồng chí gồm: 2 đài trưởng, 2 chinh sát viên, 2 thông tin vô tuyến điện, đôi khi có thêm 1 trung đội hoặc 1 tiểu đội chinh sát. “Khi chúng tôi vượt qua các căn cứ Dốc Miếu, Quần Tiên, Bái Sơn, Quán Ngang vào được hàng rào thứ 2 của địch thì trời gần sáng, anh em đặc công nhận lệnh quay lại. Trên đường quay về, tôi vẽ được 1 số vật chuẩn cảnh đồ pháo binh, tức là các vật chuẩn để xác định tọa độ để tổ chức chỉ huy pháo binh. Lúc đó khoảng hơn 2h sáng, do thời tiết lạnh, tôi lấy lọ dầu con hổ mang theo xoa lên mũi, đi được 1 đoạn đường, bỗng dưng toàn bộ anh em được lệnh ngồi dẹp sang hai bên đường do báo hiệu có địch phía trước. Tôi theo sau chợt nghĩ do sai lầm của mình rất có thể làm địch phát hiện. Chúng tôi ngồi khoảng 3- 4 phút vẫn thấy im ắng. Rất may chúng tôi không bị phát hiện và tiếp tục hành quân ra khu vực sông bến Hải. Sau lần đó tôi bị đơn vị phê bình, nhận thấy đấy là bài học sâu sắc nhất, có thể trả giá bằng xương máu của đồng đội. Đó là bài kỷ niệm đáng nhớ, đúng hơn là bài học xương máu của tôi trong thời gian chiến đấu”.

Ông Đỗ Quang Nghĩa chụp ảnh kỷ niệm cùng khẩu pháo ở  huyện Gio Linh, sau khi kết thúc chiến dịch Quảng Trị năm 1972 

(Ảnh: NVCC)

Ông Đỗ Quang Nghĩa  và BCH Đảng ủy đơn vị C7,D1,1E164 ở Triệu Phong, Quảng Trị năm 1973 

(Ảnh: NVCC)

Kỷ vật chiến trường ông gìn giữ cẩn thận suốt 50 năm qua và tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội chính là chiếc áo gile lấy của địch ở sân bay Ái Tử, Quảng Trị năm 1972 “Chúng tôi được lệnh đóng quân ở quanh Ái Tử để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu 81 ngày đêm. Một dịp, tôi tình cờ vào trạm chỉ huy của trung úy Đỗ Linh (trước đó là căn cứ của địch) trong kho Ái Tử, nhìn thấy chiếc áo này mang về sử dụng trong những ngày thời tiết giá lạnh ở chiến trường. Chiếc áo này không còn nguyên bản nữa, bởi trên thân áo có các lớp mê ca dày đan chéo để bảo vệ, tôi thấy nặng nên bóc bỏ chỉ giữ lại áo”.

         Sau khi giải phóng Quảng Trị năm 1972, ông cùng các đồng đội tham gia nhiều chiến dịch khác, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1975, ông trở về Bắc tiếp tục được đào tạo và công tác trong ngành pháo binh. Sau 26 năm tham gia chiến đấu phục vụ trong quân đội, năm 1992, ông nghỉ hưu cùng gia đình chuyển về sinh sống tại phường Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ và tham gia nhiệt tình công tác đoàn thể của địa phương.

Cựu chiến binh Đỗ Quang Nghĩa trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội

Hiện vật chiếc áo gile với những ký ức của ông sẽ được lưu giữ và giới thiệu trong trưng bày của Bảo tàng Hà Nội như một trang sử vẻ vang ghi nhận, tri ân những cống hiến của những người lính, các cựu chiến binh người Hà Nội vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. 

                                                                            

 

  Th.S. Kiều Tuấn Đạt