Cáng cứu thương và ký ức của chiến sĩ Đỗ Văn Thịnh trên chiến trường Quảng Trị

Cán bộ Bảo tàng Hà Nội phỏng vấn, ghi hình cựu chiến binh Đỗ Văn Thịnh tại Phú Thọ năm 2020

Cựu chiến binh Đỗ Văn Thịnh sinh ra ở mảnh đất Phú Cường, huyện Ba Vì. Một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, có rất nhiều người con Phú Cường đã tình nguyện lên đường chiến đấu đóng góp bao chiến công, hi sinh thầm lặng ở hậu phương và tiền tuyến, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả ba anh trai của ông đều lên đường chiến đấu. Bản thân ông là con thứ 4 trong gia đình được miễn nhập ngũ. Tuy nhiên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, noi gương thế hệ cha anh đi trước, ông đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu khi vừa học xong lớp 10. Ông kể: “ Hôm đó là ngày 26/5/1971, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng năm lớp 10, ngay hôm sau tôi nhận lệnh lên đường nhập ngũ”. Do có trình độ văn hóa, ông được đào tạo 1 năm về bảo vụ. Tháng 4/1972, cuộc chiến đấu trong Quảng Trị diễn ra ác liệt, với thành tích học tập tốt, ông đã được ra trường trước thời hạn, điều động vào chiến trường Quảng Trị. Tháng 6/1972, ông được phân công làm đài trưởng 15W thuộc Đại đội 1, tiểu đoàn 18, sư đoàn 320B mặt trận Quảng Trị cùng với 7- 8 đồng đội với nhiệm vụ chính là đi cùng các lãnh đạo sư đoàn để đảm bảo thông tin, nắm thông tin liên lạc của các đơn vị trong chiến trường Quảng Trị.

Ông kể: “Tiểu đoàn Đài 15W của chúng tôi nằm ở huyện Gio Linh gồm có 7 chiến sĩ, tôi là đài trưởng, 2 quay viên, 2 báo vụ, 2 người quay máy phát điện. Khi các đơn vị truyền tải công điện đến chúng tôi nhận mật mã bằng tai nghe thông qua máy 15W, mật mã là các dãy số. Anh em chúng tôi mang mật mã đến chỗ cơ yếu từ đó dịch sang bức điện trình thủ trưởng và truyền tải thông tin đến các đơn vị và ngược lại. Công việc của chúng tôi không có giờ giấc cố định, các anh em phải làm cả ngày lẫn đêm, nhiều lần 1 đến 2 giờ sáng nhận mật mã của các đơn vị, phải chạy bộ qua cánh đồng với quãng đường 12km để đưa công điện, dịch mật mã đưa cho thủ trưởng để truyền tin và ngược lại mỗi khi có điện tôi phải sang lấy để chuyển tin đi”. 

Tháng 8/1972, đơn vị của ông nhận được lệnh phải vượt sông Thạnh Hãn để thay thế 1 tiểu đội thông tin của tỉnh đội Quảng Trị bị bom Mỹ đánh phá, tất cả các đồng chí trong tiểu đội thông tin đó đều hi sinh. “Hôm đó trời mưa rất to nước sông Thạch Hãn dâng lên rất nhanh, nước chảy xiết. Đưa chúng tôi ra bến đò còn có đồng chí chính trị viên đại đội. Đồng chí hỏi chúng tôi có bơi được qua sông không? Tôi đáp “Thủ trưởng yên tâm, chúng tôi phải quyết tâm bơi sang sông để thực hiện nhiệm vụ”. Tôi chỉ đạo anh em cho tất cả quần áo, ba lô, máy móc vào túi ni lông, đi và bơi qua sông an toàn”. Sang bên bờ sông, tiểu đội của ông phải tiếp tục đi bộ 5km mới tiếp cận với đài thông tin bị địch đánh phá. Ông cùng các đồng đội đã phải nén đau thương, thu dọn hài cốt “không còn nguyên vẹn” của các đồng chí để chôn cất, tiếp tục nhiệm vụ đảm bảo thông tin cho mặt trận Quảng Trị. Sau 1 tháng hoàn thành nhiệm vụ ông và đồng đội được lệnh trở về căn cứ cũ và được đồng chí chính trị viên và trung đội trưởng kết nạp Đảng ngay tại chiến trường bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử. 

Nhắc lại ký ức đau thương khi chứng kiến đồng đội hi sinh ông kể: “Ở mặt trận Quảng Trị có vài đài thông tin liên lạc, các đài bố trí ở trong căn hầm cao khoảng 7m, các căn hầm được sắp xếp theo chữ Z để thuận tiện cho việc di chuyển không bị phát hiện. Cạnh hầm chúng tôi có khoảng vài chục mét, có vài chiếc hầm, khi chúng tôi đang ăn cơm trưa bỗng nghe một tiếng nổ rung trời chuyển đất. Địch bắn pháo vào khu vực hầm của chúng tôi. Căn hầm của chúng tôi bị bom phát nổ bay mất phần nổi trên mặt đất, may mắn chúng tôi không ai bị thương cả nhưng cách hầm chúng tôi vài chục mét, một căn hầm của tiểu đội thông tin khác bị bắn trúng. Chúng tôi liền chạy sang. Trời ơi! Cảnh tượng khiến chúng tôi không thể cầm được nước mắt, một đồng chí đang ăn cơm bị mảnh bom phạt ngang qua trán, đồng chí ấy đã hy sinh tại chỗ, trong miệng vẫn dính đầy cơm”. Ông khóc, giọng nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến ký ức đau thương đó. 

Sau khi giải phóng Quảng Trị năm 1972, ông được lệnh rút ra ngoài Bắc tiếp tục được đào tạo làm trợ lý chính trị của tiểu đoàn thông tin, cùng với quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia (1978), biên giới phía Bắc (Vị Xuyên, Hà Giang, 1988). 

Kỷ vật chiến trường ông gìn giữ cẩn thận suốt 48 năm qua và tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội chính là chiếc cáng cứu thương mà tiểu đoàn ông được cấp phát để phục vụ thương binh. Ông kể rằng, khi vào chiến trường mỗi tiểu đội đều được trang bị 1 chiếc cáng cứu thương đề phòng trong quá trình tham gia chiến đấu có đồng đội bị thương để sử dụng. “Rất may mắn là chiếc cáng này chưa được sử dụng ngày nào đồng nghĩa với việc tiểu đoàn tôi không ai bị thương cả. Tôi đã cất giữ nó cẩn thận đến tận bây giờ. Tôi nhớ về những người đồng đội mà có những đêm tôi không ngủ được, cứ nghĩ về họ là tôi khóc, thương lắm”

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận hiện vật do ông Đỗ Văn Thịnh hiến tặng

Sau 20 năm tham gia chiến đấu phục vụ trong quân đội, năm 1991 ông nghỉ hưu cùng gia đình chuyển về sinh sống tại phường Văn Miếu, Việt Trì, Phú Thọ. Ông nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể của địa phương: Bí thư chi bộ tổ dân phố; phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường, Hội đồng nhân dân phường; Chủ tịch Hội chiến sỹ Quảng Trị... Hiện nay, các con của ông đều công tác và giữ các chức vụ trong quân đội.

Hiện vật chiếc cáng cứu thương cùng với những ký ức của ông và các cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại các chiến trường sẽ được lưu giữ và giới thiệu trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội với tiểu đề: “Người Hà Nội trên các chiến trường” như một sự ghi nhận cống hiến của những người con Hà Nội vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. 

 

                                           Ths. Kiều Tuấn Đạt