Chiếc Tivi màu của gia đình ông Lê Văn Khánh
Ngày nay tivi là một thiết bị nghe nhìn không thể thiếu, xa lạ đối với mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, ít ai biết được những chiếc tivi màu đầu tiên ở Việt Nam được lắp ráp như thế nào. Được sự giới thiệu, vào một ngày chiều cuối thu, chúng tôi có dịp ghé qua phố Tư Đình, quận Long Biên gặp gỡ cựu chiến binh Lê Văn Khánh nghe kể về những kỷ vật mà ông đã lưu giữ trong suốt cuộc đời của mình. Trong đó, có chiếc tivi màu đầu tiên được lắp ráp ở Việt Nam, một thời ông gọi nó là “báu vật của gia đình”.
Ông Lê Văn Khánh, sinh năm 1953, quê ở Thanh Hóa. Cha ông là bộ đội kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1954, sau ngày trở về tiếp quản Thủ đô, cha ông đưa gia đình lên Hà Nội sinh sống. Ngày 04/9/1971, ông lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 52, Đại đội 37, Trung đoàn 59, Sư đoàn 968. Khi xuất ngũ, ông lưu giữ được rất nhiều kỷ vật của cá nhân thời chiến. Mỗi kỷ vật đều có những câu chuyện, ký ức riêng. Bên cạnh đó còn có những kỷ vật thời bình, trong đó chúng tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về chiếc Tivi JVC 14 inch thế hệ màu đầu tiên lắp ráp ở Việt Nam.
Tivi màu JVC - một trong những chiếc đầu tiên được lắp ráp ở Việt Nam của gia đình ông Lê Văn Khánh
Khi được chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của chiếc Tivi này, ông phấn khích kể lại: “Vào năm 1987, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội liên kết với Chính phủ Nhật Bản nhập khẩu linh kiện tivi để lắp ráp tại Việt Nam. Năm đó, theo thỏa thuận hợp tác, nhà trường đã nhập linh kiện để lắp ráp với số lượng 1000 chiếc. Tuy nhiên, theo chính sách bảo hành của Nhật Bản là 5%, họ sẽ cung cấp cho ta đủ linh kiện để lắp ráp thêm 50 chiếc. Sau khi hết thời gian bảo hành, các tivi còn hoạt động rất tốt nên các thầy cô giáo được phép mua sử dụng 50 cái tivi theo chế độ bảo hành”.
Chiếc tivi JVC14 inch, 7 hệ màu Model C-140ME, màn hình lồi, vỏ ngoài màu đỏ, bộ điều khiển thủ công với các núm bấm và vặn để điều chỉnh nằm phía dưới màn hình. Phía sau tivi có các giắc cắm cổng audio, video và ăngten râu. Ông kể với chúng tôi: vào thời điểm đó việc sở hữu được chiếc tivi này là việc rất khó, một phần vì khan hiếm, phần vì giá trị của nó rất lớn. Gia đình nào sở hữu được chiếc tivi chẳng khác nào sở hữu chiếc ô tô như ngày nay. Vì quá đam mê, ông đã thuyết phục được người bạn là giáo viên của Trường Đại học Bách Khoa bán lại với giá 2 cây vàng. Một tài sản rất lớn mà gia đình ông tích cóp bao năm mới có được. Việc sở hữu được chiếc tivi không chỉ là niềm vui lớn của gia đình còn là niềm vui chung của cả xóm làng.
Kể đến đây, tôi lại nhớ lại ký ức về chiếc tivi của nhà ông hàng xóm. Ở quê tôi, đầu thập niên 90 chỉ có 1 đến 2 gia đình xếp vào hạng có điều kiện “giàu nhất xóm” mới sở hữu được chiếc tivi đen trắng Nhật Bản nội địa. Kèm theo nó, chủ nhà không quên mua thêm một chiếc súp-vôn-tơ của Xí nghiệp Điện cơ Thống nhất để ổn định điện áp và chiếc bình ắc quy dự phòng để chạy tivi mỗi khi mất điện. Bởi thời kỳ đó, điện cung cấp cho đời sống sinh hoạt còn thiếu và yếu lắm, điện được cắt luôn phiên, chủ yếu được cấp vào ban đêm. Mà chương trình truyền hình chủ yếu được phát sóng vào buổi tối từ 19h-22h.
Xóm làng cùng nhau quây quần xem chương trình truyền hình bên chiếc tivi. (Ảnh tư liệu)
Thời đó, kỹ thuật thu phát sóng truyền hình theo hình thức analog chứ không như phải truyền hình kỹ thuật số như bây giờ. Muốn xem được phải sử dụng ăngten treo cao để thu được tín hiệu. Hình ảnh các chú, các anh trong xóm xúm lại nâng nâng, xoay xoay, chỉnh chỉnh cái cột ăng ten bằng cây tre cao vượt mái nhà để bắt tín hiệu tivi đã đi vào trong ký ức tuổi thơ của tôi. Bên trong nhà, bác chủ nhà không quên cuốn tờ giấy bạc lấy từ trong bao thuốc lá cuốn vào dây ăngten rê đi, rê lại cho nét mới thôi; cùng với những tiếng vỗ tay, hô vang của người xem, không gian không khác gì một trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim. Bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng ngây ngất như bị thôi miên chăm chú vào chiếc tivi với ánh mắt không rời các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Kỷ niệm cùng cả xóm thức thâu đêm hò reo xem bóng đá với cái màn hình bé tẹo, vậy mà niềm vui lúc nào cũng hiện lên trên khuôn mặt của tất cả mọi người. Để rồi từ đó trong dân gian ra đời những vần thơ vui về chiếc Tivi:
Tivi cũ, vợ đời đầu
Đập trên ẩn dưới mà màu chẳng lên
Trong khi đó ở nhà bên
Vừa chạm một cái, màu lên ầm ầm
Ước gì trời nổ cơn dông
Sang nhà hàng xóm, ấn nhầm TV!
Ông Lê Văn Khánh (trang phục bộ đội) giới thiệu những kỷ vật cho cán bộ Bảo tàng Hà Nội
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ đã cho ra đời nhiều sản phẩm tivi chất lượng tốt, đáp ứng được các nhu cầu giải trí. Gia đình ông cũng sắm được chiếc tivi mới hiện đại hơn. Năm 2020, ông đã quyết định tặng lại chiếc tivi cùng toàn bộ những kỷ vật của mình cho Bảo tàng Hà Nội để lưu giữ và trưng bày với mong muốn lan tỏa một phần ký ức của mình với công chúng.
Ths.Kiều Tuấn Đạt