Đôi nét về xe buýt Hà Nội và những đóng góp cho Đại thắng mùa Xuân 1975
Khoảng năm 1919- 1920, Hà Nội xuất hiện 4 chiếc xe chở khách đầu tiên nhãn hiệu GM (General Motor) chạy tuyến Hà Nội - Sơn Tây và Hà Nội- Hưng Yên. Nơi đón trả khách chính là bến Cột Đồng hồ (nay là phố Trần Nhật Duật).
(1) Xe buýt liên tỉnh đón khách ở bến Cột Đồng hồ những năm 1920
Sau đó số đầu xe tăng nhanh, bến Cột Đồng hồ trở nên chật trội vì thế Hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra khu vực chuyên buôn bán nứa (gần cầu Long Biên), từ đó có bến xe mới tên là bến Nứa. Đến cuối những năm 1920, thành phố có thêm bến xe Kim Liên, chuyên các tuyến đường dài đi Nam Định, Thái Bình và các tuyến đường ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển, Ngọc Hồi. Ở phía Tây thành phố có bến xe Kim Mã, chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình và các tuyến ngắn đi Hà Đông, Ba La. Xe buýt dần trở nên phổ biến và được ưa chuộng nhờ sự nhanh chóng và tiện lợi.
(2) Bến xe Bến Nứa khoảng cuối những năm 1920
Những năm 1950, Hà Nội có gần 800 xe lớn nhỏ gồm cả chở khách và chở hàng. Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, năm 1960, 95% số xe được công tư hợp doanh và hoạt động trong Xí nghiệp xe khách Hà Nội, chủ yếu chạy liên tỉnh. Năm 1957, cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội được Ban Thống nhất Trung ương cấp vốn mua 10 ô tô khách để thành lập Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất. Đến năm 1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn xe buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất phục vụ giao thông công cộng của thành phố với 192 xe. Tháng 1 năm 1969, Xí nghiệp đổi tên thành Công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội. Cùng với tàu điện, xe buýt trở thành phương tiện giao thông chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.
Tháng 4 năm 1975, trước những thắng lợi liên tiếp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân; Bộ Chính trị, Quân uỷ Trưng ương đã quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mọi nguồn lực đều được huy động để chi viện cho chiến trường. Thi hành lệnh huy động của Bộ Giao thông vận tải, Chủ nhiệm Công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội đã ra Quyết định số 629 ngày 21/4/1975, cử 72 cán bộ, lái xe, phụ xe, thợ máy cùng 30 xe ô tô phục vụ vận chuyển bộ đội, trang thiết bị vào miền Nam.
(3) Quyết định số 629 ngày 21/4/1975 của Công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội
Ngày 25/4/1975, đoàn xe lên đường vào Nam. Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp gáp, điều kiện sinh hoạt gian khổ nhưng cán bộ, lái, phụ xe, thợ máy của Công ty với tinh thần quyết tâm cao đã khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội chủ quản để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến bộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và trang thiết bị. Vì vậy nhiều đồng chí trong tổ công tác của Công ty đã nhận được giấy khen, giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn).
(4) Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở bộ đội cho các chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh do Trung đoàn 572 - Bộ Tư lệnh 559 cấp cho ông Tạ Văn Mai – Đoàn trưởng đoàn công tác của Công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội, ngày 23/6/1975
(5) Quyết định số 19/KT-QS của Trung đoàn 572- Bộ Tư lệnh 559 trao tặng giấy khen cho 7 thành viên đoàn công tác của Công ty xe khách Thống Nhất Hà Nội, ngày 21/6/1975
Những đóng góp của Công ty xe khách Thống Nhất trong việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị với khí thế quyết tâm: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.Sau năm 1975, Công ty xe khách Thống Nhất tiếp tục hoạt động, nay là Xí nghiệp xe buýt Hà Nội- thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).
Ảnh 1,2: Nguồn: Khai thác bản quyền tại Bảo tàng Quai Branly- Pháp
Ảnh 3,4,5: Hiện vật của ông Tạ Văn Mai- Phó Thư ký công đoàn Công ty xe khách Thống Nhất hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội ngày 12/12/1975.
Bài, ảnh: Trần Thị Quỳnh Hoa- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền