Đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh- nửa thế kỷ gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh (sinh năm 1944), thường trú tại phường Ngô Quyền, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Năm 1975, ông Nguyễn Ngọc Vinh bắt đầu trình đồng, tính đến nay đã 46 năm ông theo hầu Thánh Mẫu. Ông được cụ Thống Bản (ở Sơn Lộc, Sơn Tây) nhận làm đệ tử và truyền dạy những kiến thức về nghi thức, nghi lễ, trang phục, đạo cụ hầu đồng... Sau khi đã lĩnh hội được tất cả các tri thức chuyên sâu trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ông được phong là đồng thầy, từ đó đến nay đã khai đàn, mở phủ cho khoảng 300 đệ tử, trong số đó có con trai và con dâu của ông.
Qua tìm hiểu, được biết ông Nguyễn Ngọc Vinh tham gia rất tích cực và giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức xã hội như: Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa xứ Đoài; Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Thành viên CLB những người Quản lý di tích Hà Nội; Hội viên Ban Khảo sát nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống; Thủ nhang đền Phủ Mẫu Linh Từ - Thị xã Sơn Tây. Từ năm 1987 - 2017, ông Nguyễn Ngọc Vinh đã phát tâm chủ trì cùng nhân dân địa phương xây dựng trên nền móng cũ 07 di tích đã sụp đổ như: đình Hộ Bắc (Tây Sơn), đình - đền - chùa thôn Hà Tân (Ba Vì); đền Ao Vua (Ba Vì)… Nhờ những đóng góp tích cực trong đời sống và tín ngưỡng thờ Mẫu; ông đã được tặng 1 Huân chương, 4 kỷ niệm chương, 2 bằng khen… của nhà nước và các Sở ban ngành. Năm 2020, đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh nằm trong danh sách của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Cũng trong năm 2020, ông đã trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội 39 hiện vật gồm: khăn áo giá hầu, bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu và án gian. Đây là nhóm hiện vật quan trọng trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội.
Bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh trao tặng Bảo tàng Hà Nội
Sau một khoảng thời gian tiếp xúc, phỏng vấn và ghi hình khi ông thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại điện thờ tư gia; chúng tôi đã thu được những thước phim tư liệu hết sức sinh động. Bên cạnh đó chúng tôi còn tham gia buổi hầu đồng của ông và đệ tử ở Đền Hang Miếng ( xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) do ông tổ chức vào dịp đầu xuân 2021. Chuyến đi điền dã đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cốt cách của ông và được nghe ông trải lòng những câu chuyện trong suốt gần nửa thế kỷ theo hầu Thánh Mẫu.
Ông cho biết mình có căn đồng từ rất sớm, khoảng chừng 12, 13 tuổi ông đã nổi đồng. Khi chơi cùng chúng bạn, ông thường phủ khăn đỏ lên kín đầu rồi bắt các bạn phải vái lạy và ban phát lộc cho bạn. Nhưng bố mẹ ông khi đó chỉ coi như trò đùa của trẻ con và không mấy bận tâm tới, thậm chí còn cấm ông không được phủ khăn che kín mặt (vì kiêng kỵ điềm gở). Mãi sau này khi ông ngoài 30 tuổi đã lấy vợ và sinh con, đủ trưởng thành để biết mình căn cao số dày cần phải ra hầu thánh không thể trì hoãn được nữa. Ông vẫn còn nhớ như in thời gian đầu khi ông lên đồng, đúng vào thời kỳ nhà nước có những quy định về chống mê tính dị đoan, cấm đồng bóng, nhưng người dân hiếu kỳ vẫn kéo đến xem rất đông vì họ thấy lạ: tại sao thầy đồng là nam giới mà nhảy múa dẻo đến thế. Nhưng với người có căn đồng thì điều này không có gì lạ kỳ. Dù chưa qua bất kể trường lớp nào đào tạo về nhảy múa, ngâm thơ nhưng khi đã “bắc ghế hầu thánh” thì đều được “nhà Ngài chỉ dạy”.
Đối với người đã trình đồng mở phủ như ông mỗi năm sẽ tổ chức 4 vấn hầu vào các dịp lễ trọng như: Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), vào hè (tháng Tư), ra hè (tháng Bảy) và tất niên (tháng Chạp). Ngoài ra còn các ngày hội như “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ Mẹ” hoặc khi ngày lành tháng tốt những con nhang đệ tử chưa có điều kiện mở phủ riêng sẽ tổ chức lên đồng tại điện thờ tư gia của ông. Đệ tử của ông rất đông, ở khắp nơi với nhiều nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau.
Trước ngày hầu thánh từ 3 đến 5 ngày, ông cần phải thực hiện những kiêng kỵ nhất định như: kiêng các đồ ăn từ thịt, cá; ăn chay; ăn ít hơn thường ngày. Đặc biệt không được gần gũi người khác giới. Đây là hành động thanh tịnh làm thanh sạch bản thân trước khi trở thành bóng, ghế để thần linh ngự vào. Trước khi vào vấn hầu, cần tiến hành nghi lễ dâng sớ và cúng chúng sinh. Chúng tôi khá ấn tượng với nghi lễ cúng chúng sinh của ông. Nghi lễ được thực hiện ngoài trời, phía trước cửa đền; lễ vật gồm gạo muối, cháo, bỏng và một chậu nước bên trong thả mấy đồng xu dành cho vong hồn người chết đuối. Những lời khấn tụng của ông trầm bổng như lan tỏa một năng lượng siêu hình khiến không gian trở nên thiêng liêng, tĩnh mịch lạ thường.
Khi vào vấn hầu, ban cung văn sử dụng những loại nhạc cụ: đàn nguyệt, trống, phách, sáo, nhạc xóc kết hợp với lời hát văn tạo không khí lúc rộn ràng vui tươi khi trầm hùng có tác dụng trực tiếp lên thính giác của con người. Trong không gian thờ tự mùi khói nhang, hương thơm hoa quả, nước hoa... tác dụng lên khứu giác. Những trang phục các giá hầu với đủ các màu sắc sặc sỡ và trang sức phụ kiện tác dụng trực tiếp tới thị giác. Rượu, nước trà, trầu, thuốc lá được hầu dâng chuẩn bị tác động tới vị giác. Những lời tung hô, khen ngợi của con nhang đệ tử và khách tham dự tác động tới cảm giác thăng hoa của đồng thầy. Tổng hòa những yếu tố đó tác động tích cực tới tất cả các giác quan của đồng thầy trong quá trình lên đồng. Khi Thánh đã giáng và nhập hồn, lúc đó thầy đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của thần linh. Điều này thể hiện rõ nhất qua nét mặt, tư thế, tác phong của đồng thầy; lúc uy nghi, nghiêm nghị trong các giá hàng Quan Lớn; khi thì tươi vui, ban phát lộc cho mọi người trong giá hàng Chầu, hàng Cô; khi thì nghịch ngợm, tinh quái trong giá Cậu Bé. Kết thúc vấn hầu dù đã quá nửa đêm nhưng đồng thày vẫn không có chút mệt mỏi mà dường như khỏe khắn, nhẹ nhàng hơn.
Thầy đồng Nguyễn Ngọc Vinh trong trang phục giá hầu Quan Lớn Đệ Tam và Chầu Lục
Ở độ tuổi cận kề “xưa nay hiếm” đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh luôn tâm niệm: “Nối đời làm con nhà Thánh để cầu mong quốc thái dân an; sống tốt đời đẹp đạo; truyền dạy cho đệ tử lề lối cổ trong nghi thức, nghi lễ thờ Mẫu Tam, Tứ phủ; trên theo Phật Thánh dưới theo đồng thày”. Đây cũng chính là những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: kính Thánh trọng thầy, hướng con người tới nét đẹp Chân, Tín, Nghĩa. Ông nói thêm: “Trong giới đồng bóng cũng như xã hội con người, có người tốt người xấu, người chính trực người tà. Có không ít những ông/bà đồng lợi dụng thần thánh, lợi dụng lòng tin của con nhang đệ từ mà trục lợi cho bản thân. Những đồng đú như vậy cần bị lên án và bài trừ”.
Phạm Biển- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền