KHÁM THỜ GIA TIÊN
Khám thờ gia tiên là đồ vật được sử dụng trong thờ cúng của người Việt, khám thờ có cửa mở ra đóng lại hoặc có ô cửa nhưng không có cánh, bên trong có đặt các linh vị của tổ tiên. Ngay chính giữa của khám thờ có ghi chữ “Thần 神 Chủ 主” tức là thờ từ bốn đời trở lên bao gồm: Cao (Kị), Tằng (Cụ), Tổ (Ông) và Khảo (Bố); hoặc ghi chữ “Tôn 尊 Sở 所 Kính 敬” có nghĩa là nơi tôn kính. Bài trí khám thờ trong không gian thờ gia tiên mang ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn công lao của ông cha. Đồng thời cũng thể hiện được sự kính trọng đối với ông bà tổ tiên. Việc chọn lựa khám thờ cần phải lưu ý nhiều yếu tố và đặc biệt là những yếu tố về màu sắc, độ bền cũng như sự hài hòa với các đồ cúng khác để có thể đem đến một không gian cân đối, linh thiêng.
Khám thờ của gia đình ông Phạm Hồng Ngọc ( địa chỉ số 18B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội năm 2020 có niên đại cuối thời Nguyễn. Trải qua hơn 4 đời sử dụng với thời gian hơn một thế kỷ chiếc khám thờ vẫn còn nguyên vẹn.
Khám thờ làm bằng gỗ Mít, có kích thước: cao: 125cm, rộng: 61cm, dài: 120cm; gồm có 3 phần: Trán – Thân – Đế. Trán được thếp vàng, chạm kiểu thông phong hình Long Phượng chầu, vân mây cách điệu. Rồng có đầu to, thân dài uốn lượn tạo thế uy nghiêm, hùng dũng; Phượng được chạm khắc uyển chuyển nhẹ nhàng kết hợp với Rồng tạo thành một khối tổng thể cân đối hoàn chỉnh. Toàn bộ phần trán được làm rời, gắn kết với phần thân bằng chốt mộng và đinh vít.
Phần trán của Khám thờ
|
Phần thân được thiết kế như một ngôi nhà nhỏ có cửa, bên trong là khoảng không gian trống, xung quanh được đóng đỗ kín để trơn không trang trí. Phía trước được tạo tác, trang trí hai bên cửa đối xứng nhau. Cửa võng (vòm cửa) được trang trí bằng cành nho, chùm quả nho tạo hoa văn cách điệu, mềm mại theo lối “Trướng rủ màn che”, tạo nên sự linh thiêng và uy nghi. Phía dưới vòm cửa có bậc cấp trang trí dải hoa văn kim tiền. Phía trên vòm cửa trang trí các ô hoa chanh, hổ phù và 3 chữ Hán “Tôn 尊 Sở 所 Kính 敬” tạc theo nối Triện văn. Hai bên cửa được thiết kế dạng cuốn thư chạm nổi hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai cách điệu hình Rồng, hoa lá cách điệu hình Phượng. Các phần trang trí được tạo viền chia ô cân đối, hài hòa. Ngoài cùng hai bên là hai cột trụ có đế giật tam cấp, thân tròn hình bút nghiên, trang trí hình hoa mai cách điệu rồng, đầu bút lông được trang trí hình bông hoa sen. Toàn bộ phần thân khám được sơn son, thếp vàng uy nghiêm, lộng lẫy.
|
Trang trí cột trụ phần thân Khám thờ
|
Phần đế hình vuông, có 4 chân, trang trí hoa văn 3 mặt, mặt sau để trơn. Mặt trước trang trí hình hoa cúc cách điệu Hổ Phù ngậm chữ Thọ. Với ý nghĩa uống được thuốc trường sinh bất tử nên Hổ Phù trong nghệ thuật Việt đã thêm chữ Thọ đang bị nuốt nửa chừng. Hình tượng Hổ Phù được chạm nổi, hằn khối biểu hiện sự hung dữ và sức mạnh. Trong văn hóa thờ cúng người Việt thì Hổ Phù tượng trưng cho sự lo đủ, bền vững, sự linh thiêng, xua đuổi tà ma, chống lại ám khí, điều hòa long mạch, bảo vệ chủ nhân. Hai mặt hai bên trang trí dải hoa văn cách điệu. Bốn chân khám được chạm thúc nổi đầu Hổ Phù. Toàn bộ phần đế của khám thờ cũng được sơn son, thếp vàng.
Trang trí hình tượng Hổ Phù phần chân đế
|
Khám thờ của gia đình ông Phạm Hồng Ngọc hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, được chế tác công phu, có tính mĩ thuật cao, góp phần giới thiệu về đời sống tâm linh của người Việt thời kỳ đầu thế kỷ XX.
Bài, ảnh: Bá Ánh – Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản