“KỶ VẬT” THỜI BAO CẤP


 

Thời bao cấp là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta, với nhiều dấu ấn và hoài niệm của bao nhiêu người sinh sống trong thời kỳ này. Thời bao cấp qua đi đã lâu, ký ức về giai đoạn đó đã phai mờ ít nhiều. Để góp thêm những hình ảnh, tư liệu về cuộc sống thời bao cấp cho thế hệ trẻ hiểu được, hình dung được về cuộc sống thời kỳ đó, Bảo tàng Hà Nội xin giới thiệu nhóm hiện vật về cuộc sống thời bao cấp. Những chiếc áo len giờ có thể mua ở bất cứ nơi đâu nhưng cách đây khoảng 40 năm đó là “kỳ công” của người phụ nữ. Chiếc quần len, áo len và những kỷ vật khác của gia đình ông bà Doãn Ninh- Vũ Thị Nghĩa ở P202-E2 KTT Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ “kể” cho chúng ta câu chuyện về thời kỳ đó.

Ông Doãn Ninh (sinh năm 1935) là cán bộ giảng dạy khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội, hộ khẩu trú tại trường. Bà Vũ Thị Nghĩa (sinh năm 1943)là cán bộ Tổ chức - Lao động tiền lương Công ty Vật tư Công nghiệp thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội. Bà cùng hai con có hộ khẩu ở 33 Quang Trung (quận Hoàn Kiếm,Hà Nội). Do đó, ông Ninh được tiêu chuẩn phân căn hộ 24 m2 ở Tập thể Thành Công. Thu nhập thấp, nên cả hai ông bà đều phải xoay xở làm thêm để có thể bảo đảm cuộc sống. Ngoài giờ lên lớp, ông cũng nhận sửa chữa đài, tivi… tại nhà.

 

Đồng hồ đo điện Ampe

 

Bà Vũ Thị Nghĩa là một phụ nữ Hà Nội điển hình, đảm đang nữ công gia chánh. Bà dùng khả năng đó để kiếm thêm thu nhập bằng đan len, đan sợi, móc lưới bóng chuyền. Mỗi tối bà móc được một lưới bóng chuyền (tiền công từ 1,2 đồng đến 1,5đồng/lưới). Nếu ngày nào cũng móc lưới bóng chuyền, cả tháng bà sẽ có thêm thu nhập bằng hơn một nửa số tiền lương hàng tháng, thời điểm những năm 1980 (lương bà từ 63 đồng đến 73 đồng). Đồng thời cũng có thêm thu nhập từ việc đan len, tiền công đan một chiếc áo trẻ em là 3 hào, một chiếc quần là 1,5 đồng.



Áo len trẻ em


Kim đan lưới bóng chuyền


Con gái lớn của ông bà- Doãn Hồng Nhung (sinh năm 1969) cũng thừa hưởng kỹ năng thêu, may, đan lát giỏi của mẹ. Cô may quần áo, thêu, đan, móc đồ dùng, túi xách, khăn, mũ từ len, sợi… cho mình và những người thân trong gia đình. Sau này, cô chuyên nhận may áo phao xuất khẩu. Công may một áo phao là 7.5 đồng. Nhà có máy khâu đạp chân Singere, máy khâu có giá trị 700 đồng (tương đường 2,5 chỉ vàng thời đó). Sau này, cô Nhung mua thêm máy khâu điện, bàn là Liên Xô để làm đẹp cho quần áo nhận may đo. 

Ngoài những công việc làm thêm, gia đình cũng nuôi thêm gà ở khu công trình phụ,ban công trong chính căn nhà 24 m2này.

Nhờ cả nhà tích cực “tăng gia”, gia đình ông Doãn Ninh - bà Vũ Thị Nghĩa là một gia đình khá giả thời kỳ đó.

Năm 2020, bà Vũ Thị Nghĩa đã hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội những chiếc áo len, đồng hồ Ăm-pe, kim đan lưới bóng chuyền và một số kỷ vật khác của gia đình. Trong số những hiện vật này, Bảo tàng Hà Nội đã lựa chọn một số hiện vật tiêu biểu, phù hợp để đưa ra trưng bày trong chủ đề Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hà Nội.

 


                                                                             Bài, ảnh: Nguyễn Thị Mùi