Kỷ vật kháng chiến của người Hà Nội

Những vết đạn bom cày lên trong chiến trận

Tám mươi mốt ngày đêm...

Mấy mươi ngàn số phận

Mấy vạn con người... mấy vạn mái đầu xanh.

                                     (Trích thơ “Lời Thành cổ”- Nguyễn Thị Quỳnh Nga)

 

Trong quá trình đi sưu tầm tài liệu, hiện vật kháng chiến bổ sung cho việc hoàn thiện trưng bày thường xuyên, cán bộ bảo tàng Hà Nội có cơ duyên được gặp gỡ và tiếp xúc với cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Bình, thương binh 4/4, Chi hội trưởng Chi hội CCB Khu 3, thị trấn Phong Châu và 6 CCB là người gốc Hà Nội hiện đang sinh sống tại Phú Thọ. CCB Bùi Văn Bình và gia đình đã dành căn phòng nhỏ rộng khoảng 20mlàm nơi lưu giữ gần 1.500 kỷ vật chứng tích chiến tranh của hơn 225 CCB trên cả nước. Căn phòng ngày càng trở nên chật chội nhưng ấm áp tình đồng chí bởi nơi đây đã trở thành địa chỉ gặp gỡ, giao lưu của các CCB cả nước và đặc biệt có nhiều kỷ vật gắn với những người con gốc Hà Nội đi kháng chiến.

Năm 1965, Hà Nội đã động viên được hơn 15.000 người vào quân đội thường trực, bằng số quân tuyển trong 5 năm (1959-1964). Trong 10 năm (1965-1975), tỉnh Hà Tây cũ có hơn 170 ngàn lượt thanh niên tòng quân chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thanh niên xung phong Hà Nội chiến đấu trên nhiều mặt trận, tập trung nhiều tại các tuyến lửa khu bốn: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…tham gia sản xuất, mở đường, phục vụ vận chuyển.

 


Giám đốc Bảo tàng Hà Nội- Nguyễn Tiến Đà tiếp nhận hiện vật từ các cựu chiến binh hiến tặng

 

Ông Nguyễn Văn Ấm, quê ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội tham gia nhập ngũ vào tháng 2/1964. Qua quá trình huấn luyện và chiến đấu tại các tỉnh phía Bắc, năm 1969, ông tham gia chiến đấu tại bản Lằng Khằng (huyện Buala Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào) tại binh trạm 12, trung đoàn 284 trước khi vào chiến trường Quảng Trị năm 1971. Vừa nhắc đến những địa danh trên, giọng ông như chùng lại“anh em mình ngày đó hy sinh nhiều lắm. Giờ này chắc họ vẫn còn nằm lại đấy, lẫn trong cỏ cây, sông suối, bản làng”. Nước mắt người lính già cứ tuôn rơi theo dòng cảm xúc, ông nhớ về những người đồng đội đã hi sinh, tự tay ông chôn cất hay đưa họ về quê hương “tất cả những điều đó, tôi không thể nào quên, chỉ đến khi chết tôi mới quên được…”. Chiếc ca làm từ ống pháo sáng là kỷ vật kháng chiến- người bạn đã theo ông gần 50 năm nay, luôn được ông cất giữ bên mình. Nhớ lại những năm tham gia chiến đấu tại Lào, cuộc sống thiếu thốn, nước không đủ uống, nước suối lại nhiều nòng nọc, không có cái để múc nước uống. Ông và đồng đội mất 5 đêm theo dõi, mỗi đêm địch có thể thả vài trăm quả pháo sáng, xem chúng thả ở chỗ nào, nhưng không ai dám chạy theo để lấy vì “dưới đất chúng rải chất độc, bom băng, bom dứa, bom bi dây, bom từ trường. Anh em phải dùng một sợi dây dài buộc vào thân cây tre, rồi lia và kéo cho nổ bom, mìn để bò ra lấy ống pháo. Lấy được 4 ống, chúng tôi dùng gỗ và dao khoét để làm được 12 cái ca có nắp và quý nó hơn vàng”. Khi xuất ngũ trở về với gia đình, con ông bị bệnh phải nằm viện “thời đó khó khăn, con tôi ốm suýt chết, đi viện phải mang theo bó củi để nấu nướng, chiếc ca không chỉ đun nước mà còn nấu cơm, canh chăm cho con ở bệnh viện. Đặc biệt nấu củi bẩn đến mấy cứ đánh đi lại sạch. Ngày xưa trên thân ca có ghi “kỷ niệm Tây Trường Sơn” nhưng qua thời gian nó mờ mất rồi…”


Giám đốc Bảo tàng Hà Nội- Nguyễn Tiến Đà trao giấy chứng nhận cho cựu chiến binh Đỗ Văn Thịnh

 

Trong cuộc chiến đấu tám mươi mốt ngày đêm, dòng sông Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ Quảng Trị. “Dòng sông chỗ chúng tôi đứng không rộng lắm nhưng đạn pháo địch nổ giăng màn hết đợt này đến đợt khác, dòng sông nát vụn bởi hàng trăm quả pháo các loại. Phải tranh thủ lúc pháo địch chuyển làn, trời mưa tầm tã, chúng tôi cùng nhiều đơn vị vượt sông. Balo, cặp sách, đồ đạc phải cho vào túi nilon để bơi sang bờ bên kia. Khi đã đặt chân lên bờ bên kia mới biết mình vẫn còn sống” đó là ký ức vượt sông Thạch Hãn không thể nào quên của CCB Đỗ Văn Thịnh, quê ở xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nhà ông có 4 anh em trai, 3 người anh đều tham gia chiến đấu, ông thuộc diện được miễn nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên 18 tuổi đã viết đơn xung phong lên đường tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị ác liệt. Năm 1972, ông được phân công làm đài trưởng 15W Đại đội 1, tiểu đoàn 18, sư đoàn F320D, chuyên phụ trách về thông tin liên lạc. Khu vực ông đóng quân có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 7, 8 người, mỗi hầm cách nhau vài chục mét. Khi nhận được thông tin bằng ký hiệu từ đài 15W, ông phải đi bộ 3km đến 4km để đến đơn vị cơ yếu, gặp thủ trưởng chuyển nội dung đã được dịch ra. “Khi chúng tôi đang ăn cơm trưa, bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn rất gần, chúng tôi chạy ra thì thấy hầm bên cạnh đã bị trúng bom. Một cảnh tượng tang thương mà tôi nghĩ đến lại xót và đau lắm, cậu ấy tên là Toại, bị bom phạt ngang đầu, mất mặt mà miệng vẫn còn đầy cơm…”. Nước mắt người lính không rơi vì sự gian khổ, khó khăn ác liệt của chiến tranh nhưng khi nhắc đến những người đồng đội, đôi mắt họ ngấn lệ. Kỷ vật chiến trường ông gìn giữ cẩn thận suốt 48 năm qua chính là chiếc cáng cứu thương mà tiểu đoàn ông được cấp phát để phục vụ thương binh. “Tôi đã cất giữ nó cẩn thận đến tận bây giờ và tôi tặng lại Bảo tàng Hà Nội. Tôi nhớ về những người đồng đội mà có những đêm tôi không ngủ được, cứ nghĩ về họ là tôi khóc, thương lắm”.

 


 

Cán bộ Bảo tàng Hà Nội và các cựu chiến binh trong buổi lễ tiếp nhận hiện vật kháng chiến

 

Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận 9 hiện vật từ 7 cựu chiến binh quê gốc Hà Nội hiện sinh sống tại tỉnh Phú Thọ trao tặng. Các hiện vật bao gồm:

- Cáng cứu thương đơn vị trang bị sử dụng khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1972 của CCB Đỗ Văn Thịnh, sinh năm 1952.

- Ca gò từ ống pháo sáng ở chiến trường Quảng Trị, tháng 12-1969, của CCB Nguyễn Văn Ấm, sinh năm 1940.

- Ca gò từ súng chống tăng B90 (chiến lợi phẩm thu được của Mỹ) ở chiến trường Quảng Trị, tháng 12-1971 của CCB Hà Minh Kha, sinh năm 1950.

- Lược làm từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội, năm 1967, của CCB Ngô Văn Dụng, sinh năm 1940.

- Áo thun là chiến lợi phẩm thu được của Mỹ ở sân bay Ái Tử, Quảng Trị, năm 1972 của CCB Đỗ Quang Nghĩa, sinh năm 1949.

- Hộp gạt tàn thuốc lá gắn trên xe Jeep là chiến lợi phẩm thu được của Mỹ trong Chiến dịch Thượng Đức, Quảng Nam, năm 1974, của CCB Phạm Quốc Phúc, sinh năm 1955.

- Dao găm, ăng-gô đơn vị trang bị sử dụng tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, mũ rơm, mộc rơm của CCB Bùi Văn Bình, sinh năm 1953.

Những người lính năm xưa khi tham gia chiến đấu đều là những thanh niên tuổi đôi mươi, người ít tuổi nhất bây giờ cũng đã gần bảy mươi tuổi. “Gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, cả những cái chết của đồng đội tưởng như làm chúng tôi ngã quỵ nhưng không, chúng tôi biết đằng sau chúng tôi là Tổ quốc, là quê hương, là cha mẹ và người thân yêu đang khắc khoải chờ trông…vượt lên trên tất cả chính là danh dự, lòng tự trọng, nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm”. Chính nhận thức ấy đã giúp cho những thanh niên Hà Nội nói riêng và thanh niên cả nước nói chung có đủ bản lĩnh và ý chí chiến đấu kiên cường, trụ vững trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị.

Tại buổi lễ tiếp nhận hiện vật, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: “Những hiện vật của các cựu chiến binh quê gốc Hà Nội là nguồn tư liệu quý, mang đậm tính nhân văn, mỗi hiện vật là mỗi câu chuyện khác nhau của những người lính, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây là nguồn hiện vật quý sẽ được bảo tàng gìn giữ, bảo quản và bổ sung kịp thời vào những phần còn thiếu trong trưng bày giới thiệu về nội dung người Hà Nội đi kháng chiến, làm tăng thêm nguồn hiện vật thời kỳ chiến tranh, hoàn thiện nội dung trưng bày thường xuyên của bảo tàng”.


 

                                                                      Bài: Phạm Ngọc Quyên

                                                                             Ảnh: Kiều Tuấn Đạt