NGHỆ NHÂN HOÀNG THỊ KHƯƠNG - LÀNG THÊU QUẤT ĐỘNG

Làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín) được biết đến là cái nôi của nghề thêu truyền thống từ thế kỷ 17. Từ khi được tổ nghề - Tiến sỹ Lê Công Hành truyền nghề cho đến nay người dân nơi đây luôn tự hào với nghề thêu mà cha ông để lại. Trong lịch sử những thợ thêu làng Quất Động được tuyển chọn để thêu phẩm phục triều đình. Ngày nay, nghề thêu trải qua nhiều biến đổi và đứng trước những thử thách vô cùng khó khăn. Nhưng vẫn còn những thợ thủ công, nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật thêu, bí quyết nghề nghiệp đang ngày đêm tìm cách trao truyền cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương là một trong số những người đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang cho nghề thêu truyền thống của quê hương. Chị mở lớp dạy thêu miễn phí cho những người yêu nghề hoặc những người khuyết tật cần tìm sinh kế. Chị nắm giữ những kỹ thuật thêu khó, phức tạp gồm: thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến... trong đó thêu độn nổi và kim tuyến công phu nhất, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi…

Ngoài ra để tạo được những tác phẩm thêu tay đẹp, cuốn hút ngoài yếu tố kỹ thuật, những người thợ thêu Quất Động còn có một tâm hồn nhạy cảm, bao dung, kiên trì thì mới miêu tả được vẻ đẹp tinh tế, phóng thoáng của cảnh vật. Ở họ còn có đôi bàn tay khéo léo, với độ cảm nhận phi thường ở đầu ngón tay cùng ánh mắt tinh nhanh dễ dàng phân biệt từng đường kim, mũi chỉ, phối hợp màu sắc, hình mảng linh hoạt cũng như khả năng hình dung trước được kết quả. Mỗi cử động của họ đều nhanh, gọn, nhẹ nhàng. 

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương đang tỉa màu chỉ bức tranh “Chùa Thầy” 

Nghề của mẹ: Chị Hoàng Thị Khương được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề thêu thủ công của làng nghề thêu truyền thống nổi tiếng Quất Động. Từ thủa thơ ấu hàng ngày chị Khương đã được làm quen với cây kim sợi chỉ, vui đùa bên khung thêu của bà của mẹ. Có lẽ bởi vậy mà nghề của bà, của mẹ  ngấm dần vào chị như một lẽ tự nhiên. Khi lên 6,7 tuổi chị được mẹ cầm tay chỉ việc, dạy chị thêu những mũi kim đầu tiên. Khi đó cả làng thêu Quất Động đều thêu đơn hàng do HTX bao tiêu nguyên liệu và sản phẩm. Mặt hàng phổ biến lúc đó là: các con dơi, con rồng độn rơm bên trong, nhông rồng…các hoa văn truyền thống trên gối để xuất khẩu. Tuy công việc thêu thùa may vá được coi như “nghề của mẹ” nhưng ở làng nghề Quất Động trước đây những nghệ nhân tài ba là đàn ông lại khá phổ biến như: cố Nghệ nhân Bùi Lê Kính (thêu hoàng bào cho đức vua Bảo Đại), cố nghệ nhân Phạm Viết Tương, Thái Văn Bôn.

Description: E:\9 Tác phẩm\7. Chùa một cột.JPG

Tranh thêu tay “Chùa Một Cột”

Đứng vững trên đôi chân mình: Lớn lên với một hình hài kém may mắn so với chúng bạn cùng trang lứa. Điều này khiến chị Khương  tự ti về bản thân trong suốt thời thanh xuân tươi trẻ, chị thu mình lại với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, chỉ tập trung vào công việc bên khung thêu, coi đó là đam mê và niềm vui cuộc sống. Đến năm 1986 mô hình sản xuất HTX không còn phù hợp với thời kỳ mới nên đã dần giải thể. Nhà nước không còn bao tiêu sản phẩm cho xã viên nữa. Thợ thủ công phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Nghề thêu làng Quất Động đứng trước thử thách vô cùng khó khăn. Khoảng năm 1995 – 1996 chị nhận thêu họa tiết trên áo kimono của Nhật về làm tại nhà. Khi đang ngồi thêu tại nhà, có một người Pháp đi qua nhìn thấy đường thêu khéo léo tinh xảo, nên ông đặt hàng thêu một bức tranh Đức Mẹ đồng trinh theo ảnh sẵn. Chị ngắm nhìn bức ảnh mẫu để lấy cảm hứng, tự mày mò châm kiểu, lên khung và tỉa màu chỉ sao cho hài hòa. Trong quá trình thêu chị Khương đã thay đổi một số màu sắc trên ảnh mẫu để bức tranh thêu đẹp hơn. Khách hàng sau khi nhận sản phẩm rất hài lòng và có đặt chị thêu thêm 1 vài bức tranh khác nữa. Tuy nhiên sau khi ông trở về Pháp đã mất liên lạc do thời kỳ đó phương tiện liên lạc chưa thuận lợi như bây giờ. 

Description: E:\9 Tác phẩm\6. Bác Hồ ngồi làm việc.JPG

Tranh thêu tay “Bác Hồ làm việc”

Tương lai hướng tới: Gần nửa thế kỷ gắn bó với “Nghề của mẹ” chị Khương luôn trăn trở làm sao để tiếp nối và nâng tầm nghề thêu truyền thống của quê hương. Hàng trăm tác phẩm tranh thêu nghệ thuật do chị sáng tác vẫn được chị gìn giữ cẩn thận với ấp ủ cháy bỏng - thành lập một phòng tranh thêu truyền thống. Tại đó chị sẽ giới thiệu về lịch sử làng nghề, quá trình phát triển, các thế hệ nghệ nhân và những tác phẩm tranh thêu đặc sắc nhất. Với mong muốn tiếp thêm tình yêu nghề và sự tự hào của mình với nghề truyền thống của quê hương tới thế hệ trẻ. Giữ được nghề đã khó nâng tầm nghề thủ công truyền thống trong giai đoạn hiện này càng khó khăn hơn. Nhưng chị vẫn luôn tin rằng trong tương lai làng nghề thêu Quất Động quê hương chị sẽ còn vang danh khắp bốn phương.

            Trong một buổi chiều mùa hạ, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với chị, nghe chị say sưa kể về cuộc đời gắn với cây kim sợi chỉ, những nốt thăng cung trầm trong cuộc sống. Tôi thầm cảm phục người phụ nữ nhỏ bé mà nghị lực kiên cường. Quả thực chị đang dùng sợi chỉ “nghị lực” để thêu nên bức tranh tương lai cho một làng thêu nức tiếng một thời và chị cũng là nghệ nhân duy nhất hiện nay của làng nghề thêu Quất Động. Bảo tàng Hà Nội vinh dự được hợp tác cùng chị trong triển lãm chuyên đề “Đất trăm nghề” tại khuôn viên của Bảo tàng, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16/8/2022. Tại đây trân trọng trưng bày, giới thiệu tác phẩm tranh thêu tay “Chùa Thầy”, đạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam năm 2020 do Sở Công thương Hà Nội tổ chức.

 

                                                Phạm Biển- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền