THƯ GỬI BA MÁ CỦA BÁC SĨ- LIỆT SĨ ĐẶNG THÙY TRÂM

 

Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, nhiều người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc nhưng bút tích của họ vẫn còn lưu lại. Không chỉ chứa đựng bao tâm tình, nhiệt huyết, những bức thư, những dòng nhật ký nhuốm màu thời gian và khói bụi chiến trường còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc trong thế kỷ XX.

Trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói những lá thư, hay trang nhật ký đã trở thành vật bất ly thân và gắn bó mật thiết với mỗi người lính; là cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương; là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện và mong ước hòa bình.

Những lá thư, trang nhật ký được viết mọi lúc, mọi nơi, khi dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, tại góc rừng già bình yên hay bên trận địa còn vương khói súng; gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ, bao hy vọng mà không hề bi lụy, không hề nhụt chí. Bởi đợi ngày thống nhất con được về sống trọn trong tình thương yêu của ba má và những người thân yêu trên đất Bắc.”

Không chỉ ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, mỗi trang thư, nhật ký chiến trường còn đong đầy tâm tư, tình cảm, tinh thần lạc quan và ý chí, lý tưởng cao đẹp của những chiến sỹ trong cuộc chiến ác liệt với kẻ thù.Dù mỗi người một hoàn cảnh, tâm thế, trạng thái riêng nhưng tất cả đều là những lăng kính soi chiếu cuộc sống, cuộc chiến đấu, với những tâm tư, tình cảm chung.

Ở họ luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, lãng mạn hóa cả chiến tranh để làm yên lòng những người thân yêu nhất: “…Về vật chất cuộc sống ở Đức Phổ là nơi sướng nhất, Đức Phổ giàu nhưng chủ yếu là giàu tình thương với cán bộ cách mạng. Con ở đây được mọi người cưng chiều gửi cho con đủ thứ hết, ở cơ quan con vào loại sướng nhất đấy.”

Đó là những lời tâm sự chất chứa tình cảm yêu thương dành cho ba má của liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm khi đang thực hiện nhiệm vụ ở trạm xá Đức Phổ - một bệnh xá chuyên điều trị cho thương bệnh binh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, ngày 22/12/2010 Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đã được bà Doãn Ngọc Trâm mẹ của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm trao tặng một số những kỉ vật trong đó có bức thư trên. Bức thư được viết trên giấy mỏng, kích thước nhỏ 13,5 x 10,5 với màu mực đen sậm, nét chữ nghiêng nhưng rất gọn gàng, nội dung thư tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ cuộc sống ở trạm xá Đức Phổ khi vừa mới qua tết. 

Dưới đây là nội dung của bức thư:

 

8.3.1964

Ba má yêu thương!

Tết vừa qua con không viết thư về kịp cho ba má mà chỉ kịp cho Hiền vì con nhận được thư nó vào đúng chiều 30 Tết.

Ba má yêu thương, tết qua rồi nhưng con vẫn gửi vào trong thư này lời chúc tết của đứa con thân yêu dù ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng nhớ về ba má và gia đình. Thực vậy đó ba má á, Tết vừa qua có thể nói rằng con rất đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tết đến thư từ của rất nhiều người gửi đến cho con để chia sẻ với con nỗi nhớ nhà. Quà bánh thì nhiều vô kể, hơn hẳn cả những người đi đồng bằng ăn tết, bánh kẹo mứt ăn mãi đến 15 tháng giêng vẫn còn. Vậy mà rồi cũng vấn thấy thiêu thiếu, thiếu 1 bữa cơm chiều 30 tết mà làm món bóng, món giò hầm miến và món nộm, thiếu những lúc bận rộn chuẩn bị trang hoàng nhà cửa…nhưng thôi, không có cách nào hơn là đợi ngày thống nhất con được về sống trọn trong tình thương yêu của ba má và những người thân yêu trên đất Bắc.

Ba má yêu thương, không hiểu lâu nay con gửi thư về ba má có nhận được đủ không, chứ ở đây con nhận được thư Miền Bắc khá nhiều của gia đình và bè bạn nhưng 6 tháng nay chưa có thư ba má đó.

Qua thư ngoài đó con rất phấn khởi thấy gia đình ngoài đó bình an khoẻ mạnh và tiến bộ nhiều về mọi mặt. Nhưng về đời sống cụ thể không hiểu ra sao, có khó khăn gì không mà sao không nghe ai nói gì cả. Con hình dung ngoài đó chắc vất vả lắm, từ ngày ngừng tiếng súng không hiểu có tiến bộ gì hơn không, lần sau ba má nhớ nói cho con rõ về những mặt này nghe ba má. Nhiều lúc con vẫn thấy ước ao làm sao gửi về ba má một chút ít gì gọi là quà của một đứa con gái. Con lớn lên chẳng giúp đỡ gì cho gia đình cả nhưng bây giờ có biết bao nhiêu người như con, đó cũng là tội ác của bọn Mỹ gây ra thôi.

Về con, ba má yên tâm. Con sống rất thoải mái về mọi mặt. Hai năm qua con đã lớn lên nhiều, trong công tác con có nhiều tiến bộ có uy tín về mọi mặt (chuyên môn, giảng dạy, tổ chức lãnh đạo và cả tác phong quần chúng) được rất nhiều người thương mến, có thể nói là con cưng của tỉnh và cả khu nữa (như lời các bạn con thường nói). Vừa qua trong đại hội tổng kết ngành của tỉnh bệnh xá con phụ trách là bệnh xá đứng đầu toàn tỉnh được đề nghị tặng huân chương giải phóng hạng II (loại cao nhất trong tỉnh) và con cũng được nhận là cá nhân xuất sắc của bệnh xá. Con không hề tự kiêu với thành tích đạt được, càng được người ta thương con càng phải cố gắng để xứng đáng với tình thương ấy.

Về vật chất cuộc sống ở Đức Phổ là nơi sướng nhất, Đức Phổ giàu nhưng chủ yếu là giàu tình thương với cán bộ cách mạng. Con ở đây được mọi người cưng chiều gửi cho con đủ thứ hết, ở cơ quan con vào loại sướng nhất đấy.

Chiến đấu với Mỹ nên trang bị cũng toàn đồ dùng Mỹ từ tấm võng, chiếc mùng tuyn đến cái thìa, cái cốc cũng Mỹ, cafe cũng Mỹ…kẹo ở đây phải lựa thứ như kẹo Hải Châu mới ăn chứ loại kẹo như nuga thì không thèm đâu, về hàng vải và đồ dùng lại toàn của nhật cái gì cũng “Made in Japan” từ vải mặc, ở đây hay dùng lại fanilon rất đẹp bền và mau khô lắm, fofơlin không hay dùng vì dày và mau hỏng hơn nhiều. Radio cũng Nhật, chiếc Sony của con chắc ba thích lắm rất xinh và rất tốt.

Ở đây sinh hoạt của nông dân rất cao, Radio dùng phổ biến, xe máy loại tốt nhất cũng là thường, ít dùng xe đạp lắm. Máy vô tuyến truyền hình cũng không hiếm, 1 chiếc độ bằng cái Radio của mình chỉ đắt gấp rưỡi cái đài của con thôi nhưng bọn con không mua vì sợ tốn pin quá, phải dùng điện mới chơi nổi.

Vậy đó, cuộc sống ở đây ác liệt nhưng cũng thoải mái thôi, điều sung sướng nhất là được sống giữa tình thương vô bờ bến của rất nhiều người.

Con vẫn công tác bên huyện đoàn, không có điều kiện chứ không thì còn tham gia ở hội liên hiệp thanh niên giải phóng tỉnh nữa.

Ba má yên tâm nhé, hẹn một ngày không xa nữa con sẽ về với ba má và gia đình.

          

T.C

Cho con gửi lời hỏi thăm cô Tuyến, cô Hoà, thăm các cháu Kim Anh, Hoàng Anh, Phương Đông và các cô các chú cùng công tác với mẹ.

Con yêu ba má

 

Thuỳ

 

 

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2021), Bảo tàng Hà Nội giới thiệu nội dung bức thư của liệt sĩ- bác sĩ Đặng Thùy Trâm như một lời tri ân về thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ cứu nước sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì Tổ Quốc cần. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, chúng ta càng phải ý thức sâu sắc rằng: nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mà hôm nay chúng ta có được đã phải đổi bằng xương máu, tuổi xuân, cuộc đời, hạnh phúc của biết bao lớp người đi trước.                                                                

 

                                                                             Bài, ảnh: Hồng Điệp