NHỮNG HIỆN VẬT LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 CỦA BẢO TÀNG HÀ NỘI

Bước sang năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thời cơ lớn. Giữa lúc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc thì trong nước, các phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính, Pháp trong tình thế sắp thất bại hoàn toàn. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang trên cơ sở đánh giá tình hình trên thế giới và trong nước đã khẳng định cơ hội tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, ngay trong đêm ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, tại Đại hội quốc dân các đại biểu đã nhất trí tán thành tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.  

Hà Nội nhận được lệnh khởi nghĩa ngày 15/8/1945, Đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh đã tổ chức diễn thuyết, rải truyền đơn, biểu ngữ, kêu gọi tổng khởi nghĩa ở khắp Hà Nội. Ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng dương cao lá cờ đỏ sao vàng, biến diễn đàn của chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mit tinh tuyên truyền đường lối cách mạng kêu gọi toàn dân tộc tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 19/8/1945, đường phố ngập sắc cờ đỏ sao vàng, cả Hà Nội như rung chuyển trong những tiếng hô vang. Đúng 11h, hơn 200.000 người dân nội ngoại thành tập trung trước nhà Hát Lớn. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình vũ trang, đánh chiếm các vị trí đầu não quan trọng của Hà Nội như Phủ Khâm Sai, Tòa thị chính, Sở cảnh sát, trại Bảo An binh... Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội mở đầu cho Cách mạng tháng Tám năm 1945, cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố trong cả nước đứng lên khởi nghĩa. 

Tại Huế, ngày 23/8/1945, hơn 150.000 nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành vũ trang buộc chính quyền đầu hàng. Ngày 25/8/1945, tại Sài Gòn, hơn 1000.000 quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. 

Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày14 – ngày 28/8) cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ phong kiến Việt Nam.

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc và sự ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện vật liên quan đến chủ đề Cách mạng Tháng Tám 1945 của Bảo tàng Hà Nội khá phong phú. Công tác tuyên truyền của Đảng thông qua báo chí, các tài liệu bí mật, truyền đơn giữ vai trò quan trọng, vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Với nội dung kêu gọi nhân dân tham gia các hoạt động cứu nước hay vạch trần âm mưu của thực dân Pháp. Những tờ truyền đơn với khẩu hiệu đơn giản, ngôn ngữ dễ hiểu, tuy mỏng manh, nhỏ bé nhưng có sức lôi cuốn, hiệu triệu mạnh mẽ toàn dân cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 

A piece of paper with writing on it

Description automatically generated

Truyền đơn “Hỡi quốc dân đồng bào” của Mặt trận Việt Minh kêu gọi tham gia Việt Minh để cứu nước, tháng 12/1944.

Ngoài ra còn có nhiều vũ khí thô sơ như kiếm, mã tấu… được sử dụng phổ biến trong cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

A knife on a white surface

Description automatically generated

Mã tấu của nhân dân xã Đội Bình, Ứng Hòa rèn để cướp chính quyền năm 1945

Ngày ấy, năm 1945, đồng chí Đỗ Mười lúc bấy giờ tham gia Ban khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh ủy Hà Đông đã vận động nhân dân xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, rèn vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

A knife on a white surface

Description automatically generated

Thanh kiếm của nhân dân xã Mỹ Thành, Mỹ Đức dùng để cướp chính quyền năm 1945

Đó là một trong số những hiện vật liên quan đến chủ đề Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội mà Bảo tàng Hà Nội hiện đang lưu giữ. Qua đó, thể hiện cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc là cuộc chiến tranh nhân dân với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

                                                Đặng Lan Hương- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền