TÍN BÀI AN ĐÔNG – HIỆN VẬT ĐỘC ĐÁO TRONG BỘ SƯU TẬP HIỆN VẬT THỜI LÊ PHÁT HIỆN TẠI NGỌC KHÁNH, BA ĐÌNH, HÀ NỘI

Thẻ bài là tên dùng để gọi chung của một nhóm vật dụng đặc biệt, tùy theo chất liệu làm nên chiếc thẻ mà có sự phân biệt là: kim bài (bài bằng vàng); ngân bài (bài bằng bạc); mộc bài (bài bằng gỗ); thạch bài (bài bằng đá)… hay tùy theo công năng của từng chiếc thẻ mà gọi là: tín bài (bài làm tín vật), lệnh bài (bài giao việc).

Thẻ bài gồm hai loại: Một loại là những huân chương, huy chương để thưởng công trạng hay huy chương danh dự của triều đình ban tặng cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ và cả những người nước ngoài phụng sự cho triều đình. Loại còn lại là những “vật dụng” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn có những chiếc thẻ bài có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, hay được dùng như giấy ủy nhiệm của quan lại cấp trên giao việc cho cấp dưới.

Bộ sưu tập vũ khí thời Lê được phát hiện dưới lòng hồ Ngọc Khánh là một kho vũ khí cổ của nước ta còn đến ngày nay. Bộ sưu tập với số lượng hơn 300 hiện vật bằng sắt chủ yếu là: kiếm, lao, giáo, mũi tên, móc câu, súng lệnh, đạn đá… đã khẳng định Thăng Long xưa có một Giảng Võ trường, có quy mô rộng lớn là nơi chuyên đào tạo quan võ và binh lính cho triều đình. Trong bộ sưu tập vũ khí cổ thời Lê mà Bảo tàng Hà Nội lưu giữ có duy nhất một chiếc tín bài bằng gỗ rất quý hiếm.

Tín bài có kích thước dài 6cm, rộng 3cm được làm bằng gỗ lim, màu đen, hình oval, phía trên có tai như tai khánh. Một đầu tín bài có đục lỗ, dùng để buộc dây đeo, hai mặt khắc chìm một gờ rãnh tròn uốn lượn mềm mại theo dáng thẻ. Mặt trước thẻ bài khắc nổi chữ Hán “An”; mặt sau khắc “Đông”, hai bên chữ Đông có 2 chữ nhỏ: bên phải là chữ “kiên”, bên trái là chữ “vũ”. 

Hiện vật Tín bài An Đông trong trưng bày Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê tại Bảo tàng Hà Nội

Sách tộc phả “Lê triều ân tứ Tạo sỹ An Đông tướng quân Đỗ Bá Công sắc phong Chiêu văn hiển vũ, trung thuần dũng nhuệ phúc thần sự tích” do Đệ tam giáo đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Huy Trát, xã Lộng Điền, Đại An, soạn năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) viết : Năm 1613, Chúa Trịnh phong cho Đỗ Bá Hợp, tự là Minh Thông chức An Đông tướng quân đi dẹp loạn Phùng Lâm, vùng Hải Đông. Sách “Khâm định Việt sử thông cương giám mục” chép: “Quí Sửu (1613)…tháng 8 mùa thu, sai Trịnh Tráng đi kinh lý vùng Yên Quảng. Lúc ấy mới dẹp bình được đảng giặc nên hạ lệnh cho Tráng đi kinh lý địa phương này, chiêu tập vỗ về nhân dân. Sau đó Tráng để viên tướng thuộc dưới quyền mình ở lại trấn giữ rồi trở về kinh sư”. Sự kiện này chứng tỏ rằng, quân lính vùng Yên Quảng (Hải Đông) – thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay, được mệnh danh là đạo quân An Đông. Viên tướng miền này được phong là An Đông tướng quân. Chiếc mộc bài An Đông này cho phép khẳng định rằng vệ quân An Đông đã có lần về thao luyện tại Giảng Võ trường ở Đông Kinh (tức Hà Nội ngày nay).

Với chất liệu và nội dung khắc trên chiếc tín bài có thể khẳng định đây là thẻ dùng để làm tín vật phân biệt danh tính, phẩm hàm hoặc biểu trưng phân hiệu của một đơn vị quân đội thời đó.

 

Phạm Hải Âu