Hoạt động của Bảo tàng Hà Nội 5 năm nhìn lại

  

 

Lịch sử của Thủ đô Hà Nội với bao cột mốc oai hùng tiếp nối được đắp bồi với bề dày lịch sử của một dân tộc. Cả một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ của Thủ đô đã được tổ tiên, cha ông trao lại cho chúng ta là vô giá, là quốc bảo của dân tộc. Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là phải bảo lưu, bảo tồn, phát huy và truyền lưu cho các thế hệ mai sau. Ngoài hệ thống các di tích, các thiết chế văn hoá cổ truyền và hiện đại, ngoài các văn bản, sách vở, các giá trị truyền thống về đạo đức, nghệ thuật, lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán v.v… thì công tác bảo tàng chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Sau 5 năm mở cửa đón khách thăm quan tại địa điểm mới được đầu tư xây dựng trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu để trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu, thu hút khách tham quan ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội.

 

Xác định rõ trách nhiệm, vai trò của bảo tàng là nơi gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa, Bảo tàng Hà Nội đã và đang dần dần thay đổi, áp dụng những quan niệm mới, hình thức hoạt động mới vào bảo tàng để phù hợp với các cộng đồng xã hội. Mối quan hệ của bảo tàng với cộng đồng xã hội là mối quan hệ tương hỗ với nhau. Bảo tàng phản ánh một hoặc nhiều nhóm cộng đồng xã hội theo chức năng hoạt động, theo lứa tuổi.... giới thiệu bản sắc và thành tựu hoạt động của họ. Cộng đồng xã hội vừa là chủ thể nhận thức các giá trị của bảo tàng vừa trực tiếp tham gia các hoạt động với Bảo tàng Hà Nội. Nhờ sự phối hợp tốt với cộng đồng và được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, trong 05 năm Bảo tàng Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục chế hiện vật chuẩn bị cho công tác trưng bày chính thức, cùng với đó duy trì các hoạt động trưng bày khách tham quan. Ngoài điểm nhấn trưng bày phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức được 18 chuyên đề trưng bày. Mặc dù nội dung trưng bày chính thức đang trong giai đoạn thiết kế - thi công nhưng mỗi năm Bảo tàng Hà Nội trung bình đón tiếp khoảng 100.000 lượt khách đến thăm quan.

 

Các chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị trong các dịp ngày lễ lớn đã thu hút đông đảo khách tham quan, được đánh giá cao, có thể kể như: chuyên đề Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; trưng bày Thành tựu Kinh tế, Văn hóa, Xã hội của Thủ đô - 60 năm xây dựng và phát triển (1954 - 2014); chuyên đề Hậu cần cho đại thắng mùa xuân năm 1975; chuyên đề 70 năm xây dựng Nhà nước do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh…

 

 Nhóm chuyên đề phối hợp với các tổ chức cộng đồng cũng rất đa dạng và được công chúng đón nhận như: Triển lãm thành tựu 10 năm điêu khắc Việt Nam phối hợp với Cục Mỹ thuật ( 2013); chuyên đề Ảnh mùa thu Hà Nội phối hợp với CLB nhiếp ảnh Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (2014); Kết quả cuộc thi ảnh di sản phối hợp với tạp chí Heritage ( 2014)....

 

Các hoạt động phục vụ cộng đồng như: tổ chức nghe hát ca trù và biểu diễn nghệ thuật truyền thống nhân kỷ niệm 10 ngày Di sản (23/11/2014); các hoạt động nhân ngày Quốc tế bảo tàng, trình diễn một số nghề thủ công truyền thống: làm diều, vẽ mặt nạ, đèn ông sao, đèn kéo quan…Nhân dịp Tết Trung thu 2015 Bảo tàng đã phối hợp với một số nghệ nhân tại các làng nghề, phố nghề, nhóm Đình làng Việt tổ chức Lễ hội Trung thu với chủ đề “Rước trăng chơi phố”. Ngoài những sự kiện chính, bảo tàng còn tổ chức các buổi nghe kể chuyện lịch sử cho các em ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và tham dự buổi tìm hiểu – sáng tạo qua đó các em được vẽ tranh, chơi các trò chơi dân gian truyền thống như: bắt trạch trong chum, nặn pháo đất, đi cà kheo, nhảy bao bố... Những hoạt động đó cùng với cơ sở vật chất đã bước đầu đã tạo nên không gian sáng tạo, khám phá, trải nghiệm xã hội cho các em cũng như khách tham quan khi đến với vào mỗi dịp ngày nghỉ cuối tuần.

 

Bên cạnh nguồn kinh phí được Nhà nước cấp, Bảo tàng Hà Nội đã và đang chủ động tìm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài cho các hoạt động của mình theo mức độ phù hợp như tổ chức các sự kiện, hội thảo, tài trợ sự kiện ... nhờ đó đa dạng hóa phương thức hoạt động, nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cho Bảo tàng Hà Nội sau khi nội dung trưng bày thường xuyên chính thức được hoàn thiện và đưa vào khai thác.

 

Qua 5 năm mở cửa phục vụ khách tham quan thông qua các cuộc trưng bày chuyên đề, có thể thấy Bảo tàng Hà Nội đã bước đầu thay đổi cả nhận thức và có những định hướng về phương thức hoạt động. Từ chỗ chỉ tập trung lấy hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật là trung tâm, thì hiện nay cùng với đó đã lưu tâm chọn đối tượng công chúng làm trung tâm, từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách đã dần dần tìm nguồn kinh phí thông qua tổ chức các hoạt động sự kiện tại bảo tàng để tái đầu tư cho các hoạt động văn hóa mà bảo tàng hướng tới phục vụ công chúng.

 

Để có được những kết quả như vậy, công tác lãnh đạo, quản lý của Bảo tàng Hà Nội cũng thích ứng, linh động và đầy trách nhiệm. Tập thể Ban lãnh đạo không chỉ đề ra các kế hoạch, triển khai thực hiện mà còn tổng hợp các mối quan hệ hợp tác từ các phía, chia sẻ, dự báo chính xác những thay đổi và định hướng phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn phù hợp với tình hình thực tiễn và hoạt động của Bảo tàng Hà Nội trên cơ sở đánh giá nội lực, thách thức và những mối quan hệ hợp tác đã được Bảo tàng Hà Nội xây dựng. Với sự cầu thị, nhiệt tình của tập thể cán bộ, viên chức bảo tàng, cùng với nội dung trưng bày chính thức đang từng bước được hoàn thiện, mong rằng chỉ một thời gian không xa nữa Bảo tàng Hà Nội sẽ là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

 

                                                                                                   Th.s Nguyễn Tiến Đà

                                                                                              Giám đốc Bảo tàng Hà Nội