HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC BẢO TÀNG– KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

Năm 2024, Hiệp hội bảo tàng Quốc tế ICOM khuyến khích các bảo tàng hướng các hoạt động tới chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa để cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là những không gian quan trọng nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024, hãy cùng nhìn lại hoạt động giáo dục của Bảo tàng Hà Nội trong những năm gần đây. Trước những yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, Bảo tàng Hà Nội đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng và đưa các sản phẩm văn hóa của mình đến gần với công chúng hơn. Đặc biệt, từ cuối năm 2022, khi mà các hoạt động văn hóa bắt đầu sôi động trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid, Bảo tàng Hà Nội đã thay đổi nhanh chóng và trở thành điểm thu hút khách tham quan. Bảo tàng Hà Nội không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu mà còn là điểm học tập, trải nghiệm cho khách tham quan. 

Ảnh: Nguồn Bảo tàng Hà Nội

Khách tham quan, trải nghiệm đến với bảo tàng rất đa dạng với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau vì vậy bảo tàng luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng khác nhau. 

Trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024 Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng. Đối tượng tham gia trải nghiệm tại bảo tàng nằm trong lứa tuổi học sinh, sinh viên nên nhóm đối tượng này được xác định là đối tượng chính, trọng tâm của bảo tàng khi xây dựng các nội dung hoạt động trải nghiệm. Hiện nay, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục mới. Hoạt động này giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, mang lại hiệu quả ghi nhớ cao hơn là phương pháp giáo dục một chiều. Bên cạnh đó hoạt động giáo dục, trải nghiệm tốt góp phần quan trọng tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày.

1. HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC THÔNG QUA CÁC CUỘC TRƯNG BÀY, TỌA ĐÀM 

Hướng dẫn tham quan là hình thức giáo dục cơ bản, mang tính truyền thống, quan trọng của các bảo tàng, nhằm giới thiệu một cách khoa học, logic và toàn diện về nội dung trưng bày của bảo tàng.

Trong quá trình hướng dẫn tham quan, cán bộ thuyết minh vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như phương pháp tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tham gia “hỏi – đáp” cùng thuyết minh viên.

Ảnh: Nguồn Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng đã tổ chức rất nhiều buổi thuyết trình, trò chơi như Rung chuông vàng, Đấu trường 100 về nội dung trưng bày tại bảo tàng bằng tiếng Việt, tiếng Anh sau khi kết thúc chuyến tham quan giúp các em chủ động hơn trong học tập, khả năng thuyết trình và học hỏi thêm kiến thức một cách toàn diện.

Bảo tàng Hà Nội thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng những nội dung chuyên đề phù hợp theo chương trình Giáo dục địa phương của Bộ Giáo dục đào tạo, đưa bảo tàng thành lớp học thực tế cho học sinh, giúp cho các chương trình giáo dục được đổi mới và đạt hiệu quả tốt hơn. Những tiết học đặc biệt tại bảo tàng bên cạnh được tham quan thì tiếp xúc gần với những hiện vật theo từng chủ đề sẽ giúp học sinh hào hứng, ghi nhớ kiến thức nhanh hơn và lâu hơn.

Đồng thời, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Nhà hát Kịch Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”, đã biểu diễn phục vụ gần 3.000 học sinh.

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng như: Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; Tổ chức các buổi trình diễn văn hóa dân gian hát chèo, ca trù, hát xẩm và tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống; Tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa, các sự kiện quan trọng của Thủ đô.

Với di sản văn hóa phi vật thể, trọng tâm làcon người, di sản văn hóa phi vật thể có còn được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đó. Chính vì vậy, nghệ nhân là người giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể ở cộng đồng. Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn các nghề thủ công truyền thống như: làm Tò he, nón Chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng… hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, chèo tầu… và còn rất nhiều các hoạt động giáo dục ý nghĩa khác đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. 

2. HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

Trong bối cảnh đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường thì Giáo dục trải nghiệm là một trong những hình thức giáo dục được các trường đặc biệt chú trọng. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, người tham gia sẽ có thêm những kinh nghiệm, tri thức và cảm xúc cho mình.

Với sự thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác. Nó được coi là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của mỗi bảo tàng nói chung và của Bảo tàng Hà Nội nói riêng. 

Đối với hoạt động trải nghiệm, bảo tàng Hà Nội cung cấp những sản phẩm cho hầu hết các nhóm đối tượng theo đoàn, nhóm nhỏ, gia đình và đi riêng lẻ. Trong đó, số lượng khách trải nghiệm tại bảo tàng đa số là các đoàn học sinh. Được tự tay hoàn thiện một sản phẩm xinh đẹp, cô trò cùng được chơi, cùng thể hiện sự sáng tạo và hiểu hơn về giá trị của lao động cũng như sự khéo léo, tinh tế của mỗi sản phẩm thủ công.

Ảnh: Nguồn Bảo tàng Hà Nội

Với vai trò là một không gian sáng tạo văn hóa của thủ đô, Bảo tàng Hà Nội đã kết nối, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế, sáng tạo, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để tổ chức nhiều sự kiện, trưng bày và hoạt động giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng như: Hợp tác xã Vụn Art, Công ty Cổ phần Kym Việt, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, Học viện khám phá, Bảo tàng hóa thạch Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống... Gần đây nhất, Bảo tàng Hà Nội đã kết hợp với tác giả Ninh Quang Trường tổ chức giới thiệu và trải nghiệm miễn phí cờ Mặt trời tại bảo tàng. 

      Với lợi thế về mặt không gian, khuôn viên rộng lớn, có cây xanh tạo bóng mát, vườn hoa cây cỏ tạo lối đi, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ngoài sân vườn: các trò chơi dân gian, chợ Tết, Rước trăng chơi phố dịp Trung thu, những món quà quê (làm kẹo kéo, nổ ống nổ bỏng, bánh nướng, bánh dẻo,…). Trong đó, hoạt động Rước trăng chơi phố vào mỗi dịp Trung thu được duy trì tổ chức trong nhiều năm và đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ công chúng.

Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều đối tượng du khách, nhất là giới trẻ tới tham quan, học tập, Bảo tàng Hà Nội vẫn luôn nỗ lực phát huy, sáng tạo để có những sản phẩm giúp gia tăng trải nghiệm, giáo dục cho khách tham quan. Đây không chỉ là hướng đi giúp lan tỏa, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học gắn với hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng, mà còn là cách thức để phục vụ công tác bảo tồn theo hướng bền vững.

 

Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội