NHỚ NGÀY SINH NHẬT BÁC HỒ QUA NGUỒN TƯ LIỆU TẠI BẢO TÀNG HÀ NỘI

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Nhắc đến Người, ta không quên nhớ về người con xứ Nghệ, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo trong một gia đình nhà nho yêu nước, nơi giàu truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Ngay từ thời niên thiếu và thanh niên của mình, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân, Hồ Chí Minh sớm có ý chí giành độc lập cho dân tộc.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng từ đây, đông đảo đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế biết đến Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phong cách sống thanh cao, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những thể hiện ở những việc tầm cỡ mà còn thấy ngay ở những niềm vui riêng của mình. Mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy. Cũng vì thế mà đến tận tháng 5/1946, toàn thể nhân dân Việt Nam mới được biết đến ngày sinh của Bác. Ngày 18/5/1946: Trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 19/5/1890. Sáng 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ...  và các đại biểu Nam Bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Đây là lần đầu tiên kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ và ngày 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi ở Thủ đô, vào mỗi dịp sinh nhật, Bác thường đi công tác, thăm hỏi nhân dân một số nơi khác để tránh mọi người tổ chức sinh nhật linh đình và Bác không quên dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, tặng quà cho Bác.

Những tháng năm kháng chiến, kỷ niệm sinh nhật Bác thật giản đơn nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến. Bác đã truyền lửa cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu lạc quan hăng say làm việc. Chiến thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người.

Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Lần sinh nhật năm 1969, giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt. Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, sức khỏe của Bác có phần yếu nhiều, Bác không đi “công tác xa” như những năm trước đó. Đầu giờ sáng ngày 19/5, Bác tiếp các cháu thiếu nhi là con các đồng chí phục vụ đến chúc thọ. 9 giờ sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Và cũng khác với những lần Bác sửa Di chúc trong những dịp sinh nhật Bác, lần đầu tiên trong 4 năm (1965 - 1969) Bác Hồ viết và sửa Di chúc muộn hơn, Bác viết: "Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là hạng người “Xưa nay hiếm”. Nhưng tinh thần và đầu óc vẫn sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…” Chẳng ai biết được, đây lại là lần sinh nhật cuối cùng của Bác.

Đáp lại tình cảm của mọi người vào các dịp sinh nhật, Bác đều gửi thư, gửi điện cảm ơn các đồng chí, đồng bào trên khắp cả nước cũng như bạn bè ở các nước bạn. Có khi Bác chuyển lời cảm ơn thành những vần thơ đầy ý nghĩa và sâu lắng.

Nhiều địa phương trên cả nước thi đua lao động, sản xuất và dành những tình cảm trân quý đến Bác vào các dịp sinh nhật hàng năm. Những món quà, những lá thư, những lời chúc, những bài thơ hay lời ca tiếng hát được gửi đến Người. Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật hiện về Bác đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và trong trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” là một minh chứng cho tình yêu của nhân dân Thủ đô đối với Người vào dịp đặc biệt này.

Những tài liệu chúc mừng sinh nhật Bác xuất bản năm 1950-1958 lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội

Những tài liệu thuộc do Nha Thông tin, Ty Tuyên truyền và Văn nghệ Sơn Tây, Ty Tuyên truyền và văn nghệ, Ty Văn hóa Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây bấy giờ đã xuất bản sách, các tài liệu đặc biệt chào mừng ngày sinh nhật Bác. Những tài liệu tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng chứa đựng tình yêu thương vô vàn với Bác kính yêu. Đó là lời kính chúc Bác luôn mạnh khỏe và sống lâu; đó là bài viết của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cung cấp tài liệu cho toàn thể nhân dân học tập đạo đức, tác phong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đó là các bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhà thơ Tố Quân, Tố Hữu và Minh Huệ; đó là các bài thơ, ca, độc tấu, cải lương, quan họ, cổ động phong trào thi đua mừng ngày sinh nhật của Bác. Tất cả đều là tấm lòng của nhân dân với Bác.

Vào tháng năm lịch sử này, chúng ta đều nhớ về Bác, nhớ đến sự quan tâm đặc biệt Bác dành cho Hà Nội, không gian trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” đón rất nhiều công chúng đến tham quan, tìm hiểu và học tập theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 

Mỗi một hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong không gian trưng bày như muốn nhắc nhở trong mỗi chúng ta gửi đến Bác lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người; bằng những hành động thiết thực nhất như sinh thời Bác thường mong muốn.

Đất nước hòa bình và Bác đã đi xa, chúng ta vẫn luôn thực hiện theo đúng lời dặn của Người. Mỗi dịp sinh nhật Bác, cả nước lại cùng nhau tổ chức kỷ niệm một cách tiết kiệm và hào hứng với các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, học tập. Những kết quả đó chính là món quà ý nghĩa nhất dâng lên Bác Hồ kính yêu. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta; sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. 

                                       Lan Hương- Phòng Trưng bày- Tuyên truyền