Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa dân ta từ nô lệ thành người dân tự do, tự làm chủ nước nhà.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước Độc lập – Tự do, song chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận. Bên cạnh đó, bọn đế quốc và tay sai lại ráo riết chống phá hòng lật đổ chính quyền cách mạng của ta. Vì vậy, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải tổ chức Tổng tuyển cử. Tổng tuyển cử chính là thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, bầu ra Quốc hội để quy định Hiến pháp và bầu ra Chính phủ chính thức.
Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Đây không còn đơn thuần là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vì độc lập dân tộc hết sức quyết liệt.
Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao, nhân dân cả nước đã đón nhận cuộc Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử diễn ra trên khắp cả nước, nhân dân ta từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, không kể già, trẻ, trai, gái, từ 18 tuổi trở lên đều được bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, trung bình là 89%, có nơi lên đến 95%. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu ra 333 Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng chục vạn cử tri đi làm nghĩa vụ công dân ở nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ ). Trong kho hiện vật của Bảo tàng Hà Nội hiện đang lưu giữ bút chì của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để viết phiếu khi bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946. Cây bút chì dài 14cm, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa lịch sử.

Quốc hội khóa I năm 1946 (Hiện vật phục chế)
Bên cạnh cây bút chì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để viết phiếu bầu cử năm 1946, trong kho của Bảo tàng Hà Nội còn đang lưu giữ hòm phiếu của nhân dân xã Phùng Hưng, Sơn Tây đã dùng trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I. Hòm phiếu được làm từ gỗ tạp, hình chữ nhật, dài 25cm, rộng 17,5cm, cao 12,5cm. Trải qua năm tháng, tuy hòm phiếu không còn được nguyên vẹn nhưng đây là minh chứng cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị chu đáo. Hòm phiếu trông thật đơn sơ, giản dị nhưng đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh các cụ già 70, 80 sức khỏe yếu, đi lại khó khăn con cháu phải cõng đi, hay những người không còn sáng mắt phải nhờ người dẫn đến,… nhưng họ vẫn muốn tận tay bỏ lá phiếu của mình để chọn người tài đức phục vụ cho dân cho nước. Hòm phiếu này chính là nơi gửi gắm sự kỳ vọng, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ.
Thông qua những hiện vật này, chúng ta như được hòa mình vào không khí phấn khởi, hân hoan của giai đoạn lịch sử vẻ vang ấy. Cây bút chì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết phiếu bầu cử và hòm phiếu của nhân dân xã Phùng Hưng là một trong số hàng ngàn tài liệu, hiện vật mà các Bảo tàng trên cả nước trong đó có Bảo tàng Hà Nội lưu giữ phần nào đã minh chứng cho những thắng lợi giải phóng dân tộc, sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân ta.
Bài, ảnh: Minh Tú- Xuân Quang