HẦM TRÚ ẨN CÁ NHÂN- MỘT PHẦN KÝ ỨC NGƯỜI HÀ NỘI

 

 "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía tây. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn...". Lời của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn vang lên mỗi lần B-52 xâm phạm bầu trời Hà Nội vẫn in sâu trong tâm trí nhiều người Hà Nội, người dân dù đang mải miết đạp xe trên đường, đang trật tự xếp hàng trong cửa hàng bách hóa... đều khẩn trương xuống hầm trú ẩn tránh bom. Những căn hầm trú ẩn là một hình ảnh quen thuộc của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh.

 

 

 

Người dân chuẩn bị xuống hầm trú ẩn ngay trên đường phố

(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Ông Ngô Thế Phong, người consinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đã hiến tặng hiện vật hầm trú ẩn cá nhân đặt trước ngôi nhà 26A Phan Châu Trinh- nơi ông sinh sống từ trước khi không quân Mỹ thực hiện ném bom phá hoại Hà Nội cho Bảo tàng Hà Nội kể: “Để đảm bảo tính mạng và  hạn chế thương vong chongười dân, chính quyền thành phố cho đào rất nhiều hầm trú ẩn và hệ thống giao thông hào gọi chung là tăng xê (phiên âm từ tiếng Pháp: Tranchée)trong đó có hầm trú ẩn cá nhân được đặt ở hai bên hè dọc các tuyến phố, cứ 10m có một hầm. Nhà nào đông người có thể tự đào hầm, không hạn chế số lượng trong nhà của mình để chui vào khi có máy bay địch tấn công”.Trên vỉa hè các con phố như Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Huân, Trần Hưng Đạo và xung quanh Bờ Hồ ngày ấy đầy những hầm tránh bom cá nhân, rất tiện. Người dân vẫn đi lại bình thường và khi nghe báo động có thể trú tại hầm gần nhất. 

 

 

 

Hầm trú ẩn cá nhân do ông Ngô Thế Phong hiến tặng đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội (Nguồn: BTHN)

Ông Phong đã có một thời gian làm công nhân cho công ty Nam Thắng đặt trụ sở tại xí nghiệp Vĩnh Tuy, nơi duy nhất chuyên sản xuất ống giếng (ống cống) khi đó “dân ta gọi là ống “buy” (từ giếng trong tiếng Pháp là “puits”bị đọc chệch đi)để làm hầm trú ẩn cá nhân”. Hầm là hai ống buy chồng lên nhau, đường kính khoảng 80cm, cao khoảng 70cm. Ống phía dưới có đáy và một phần khuyết để làm bậc lên xuống, phía trên hầm có nắp đúc bằng bê tông cốt thép, có hai lỗ thông hơi “khi đầm bê tông, công nhân đặt hai khúc gỗ hình bán nguyệt vào khuôn để tạo hình, lỗ thông hơi còn có tác dụng để người ngồi bên trong luồn tay để đẩy nắp hầm lên khi có cảnh báo an toàn”. Ông vẫn còn nhớ khi đó: “nguyên liệu chính để sản xuất ống buy là xỉ và xi măng; xỉ được lấy từ nhà máy điện Yên Phụ. Trước khi đưa vào sản xuất, xỉ còn được sàng thật kỹ để tận dụng số than còn sót lại vìkhi đó nguyên liệu đốt rất ít. Xỉ, xi măng và nước được trộn vào với nhau theo tỷ lệ trước khi đổ vào khuôn gỗ bịt tôn,có hai khuôn là khuôn trong và khuôn ngoài cách nhau bằng độ dày của ống.Công nhân dùng xẻng và xô đổ nguyên liệu vào khuôn; sau đó dùng chày bằng sắt hình chữ T, phía dưới có tay ngang cong lưỡi liềm khoảng 30cm để đầm nguyên liệu. Ống buy được sản xuất từ năm 1966, sản xuất mạnh nhất vào năm 1967- 1968,công trường tập trung nhiều ở khu vực vườn hoa Cổ Tân và bùng binh trước cửa nhà hát lớn hiện nay”. Hầm tránh bom cá nhân chủ yếu tránh được bom bi, mảnh bom và đặc biệt là tránh được cả một phần sức ép của bom vì hầm được chôn trong lòng đất và bao quanh bằng khối bê tông, “trước khi đưa vào sản xuất và sử dụng, công nhân đã thí nghiệm để thử sức ép của bom, hạn chế thương vong”.

Hầm trú ẩn cá nhân ông Phong tặng cho Bảo tàng Hà Nội cũng như các hầm cá nhân khác vào mùa mưa bão, hầm lõng bõng nước. Nhưng khi còi báo động rú lên thì dù hầm đầy nước cũng phải xuống trú. Ai sợ ướt quần áo lừng khừnglập tức có tiếng quát: “Xuống hầm nhanh, đứng trên bờ làm mục tiêu cho máy bay à!” thế là lập tức người kia phải xuống.  Lại có thanh niên không sợ ướt nhưng thích đứng trên nhìn lên trời xem máy bay bay ở khu vực nào cũng bị quát bắt xuống. Hết báo động trèo lên mặc quần áo ướt  đạp xe đi làm hay đi bộ về nhà, mọi hoạt động lại diễn ra bình thường như vốn có. Vợ ông Phong cùng gia đình gần đó tự nguyện hàng ngày múc cạn nước hầm gần nhà mình để luôn khô ráo, sạch sẽ.

Tự vệ nhà máy thiết bị thiết bị bưu điện Hà Nội đang khẩn trương tu sửa nắp hầm, chuẩn bị tốt hầm hào chiến đấu

(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Những câu chuyện đời thường liên quan đến chiếc hầm trú ẩn cá nhân cũng được ông Phong chia sẻ“ngày trước hàng xóm nhà ông có ông cụ bị tai biến, vì không muốn làm phiền con cháu nên đã để sẵn một cái ghế phía dưới hầm trú ẩn cá nhân trước cửa nhà để tập thể dục,cứ leo lên, tụt xuống để rèn luyện sức khỏe”, rồi lại có anh chàng trú cùng hầm với cô gái khi máy bay địch ném bom, họ quen nhau và tình yêu nảy nở trong kháng chiến.

Từ năm 1966- 1972, thành phố Hà Nội có hơn 40 vạn hầm trú ẩn cá nhân và 9 vạn hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Ít có thủ đô nào trên thế giới trang bị hệ thống hầm trú ẩn dày đặc đến như vậy. Hầu như các tuyến phố ở Hà Nội đều có hầm trú bom, giúp cho khoảng cách chạy từ nơi bất kỳ nào đến chỗ trú ẩn là ngắn nhất. Dù cuộc sống vẫn diễn ra nhưng trong thâm tâm người ở lại thành phố và cả người đi sơ tán luôn hướng về nhau. Mỗi khi còi báo động, người trú dưới hầm không lo nhiều cho mình mà lại lo cho con cái ở nơi sơ tán. Hết báo động là hỏi nhau hay nghe loa truyền thanh hôm nay máy bay Mỹ ném bom đánh phá ở đâu, có thương vong nào hay không?

Chiến tranh đã qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng với lớp người đã sống và chiến đấu tại Hà Nội những năm 1966- 1972 thì hình ảnh về hầm trú ẩn sẽ không thể nào quên trong tâm trí những con người đã chia sẻ, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn và bom đạn.

                                Bài, Ảnh: Phạm Ngọc Quyên

Phòng Trưng bày Tuyên truyền- Bảo tàng Hà Nội