ĐÔI NÉT VỀ ĐÈN LỒNG - ĐỒ CHƠI TRUNG THU TRUYỀN THỐNG

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng đã có từ lâu không chỉ là những ngày Tết dành cho trẻ em mà còn là dịp cả gia đình đoàn viên, sum vầy bên nhau cùng ngắm trăng, phá cỗ, vui trung thu bên mâm ngũ quả, thưởng thức những chiếc bánh trung thu. Vào những ngày này, trẻ em nhận được nhiều đồ chơi, được nô đùa thỏa thích với những lời ca tiếng hát cùng tiếng trống tùng rinh rinh của đội múa lân sôi động, người lớn được trở về với những ký ức tuổi thơ của mình.

Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa, với đủ đầy các vật phẩm trang trí, các đồ chơi trong đó những đồ chơi truyền thống Rằm tháng Tám luôn được các em nhỏ háo hức, mong chờ.

Tục lệ làm đồ chơi Trung thu truyền thống từ xa xưa được chuẩn bị gồm các loại đèn, mặt nạ, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy, đồ chơi bằng sắt tây, các đồ chơi tự tạo từ vỏ lon, vỏ bìa, giấy gấp …Tiêu biểu nhất cho đồ chơi Trung thu là các loại đèn lồng, được dùng để rước hoặc trang trí, có cán cầm hoặc dây treo, có khung bằng nan tre, dán giấy bóng kính nhiều màu, bên trong có đế cắm nến để thắp sáng. Mỗi một loại đèn mang màu sắc, ý nghĩa riêng.

Cho đến cuối thế kỷ 19, thú chơi lồng đèn Trung thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành rõ nếp và đa dạng. Các mặt hàng đồ chơi Trung thu được bán nhiều trên các phố như Hàng Gai, Hàng Mã lúc bấy giờ.

             Cửa hàng bán đồ chơi trung thu trên phố Hàng Gai, 1915

       Nguồn: Bảo tàng Albert Kahn

Vào dịp Tết Trung thu, từ đầu tháng Tám âm lịch, trẻ em ở Hà Nội đã được bố mẹ đưa lên phố Hàng Gai, Hàng Mã ngắm và mua đồ chơi Trung thu với nhiều loại đồ chơi truyền thống thủ công độc đáo và ấn tượng. Các loại đèn lồng được bày bán từ sớm. Dù cách đây hàng trăm năm nhưng nghề làm đèn chơi Tết Trung thu đã thu hút người thợ chế tạo sản phẩm đa dạng, có tính thẩm mĩ cao. 

Ngày nay, phố Hàng Mã vẫn giữ được mặt hàng đúng với nghề xưa. Các cửa hàng bán đủ những mặt hàng đồ mã đa dạng, đồ chơi Trung thu. Các loại đèn, mặt nạ, trống, đầu sư tử hiện nay được bày bán khá phổ biến trong dịp Tết Trung thu trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Gai ngập tràn sắc màu rực rỡ. Theo thời gian, một số đồ chơi ngoại nhập đã xuất hiện với chủng loại và mẫu mã phong phú hơn, hiện đại hơn. Có những món đồ chơi còn tồn tại cho đến ngày nay nhưng cũng có nhiều loại đã mai một hoặc hoàn toàn vắng bóng.

Đồ chơi Trung thu bày bán trên phố Hàng Mã

Xưa kia, nhiều nơi ở Bắc bộ có nhiều nơi làm đèn Trung Thu cho trẻ em, nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Bấy lâu nay, tưởng chừng như nghề làm lồng đèn Trung thu cổ truyền đã bị biến mất, nhiều người dân làng Báo Đáp đã di cư vào Sài Gòn và lập ra xóm Phú Bình (quận Tân Phú) và tiếp tục duy trì nghề làm đèn lồng truyền thống. Những năm gần đây, suốt 5 năm tìm hiểu, nghiên cứu những chiếc đèn cổ truyền đang dần được khôi phục với hình dáng như trước nhờ có nỗ lực phục dựng làm lồng đèn Trung thu cổ truyền của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình - người con làng Báo Đáp.

Để tạo nên một chiếc đèn lồng cổ truyền cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi phải làm thủ công bằng tay hết sức tỉ mỉ từ việc uốn khung tre tạo dáng hình đèn, dán giấy đến việc vẽ trang trí cho sản phẩm. Sự độc đáo của lồng đèn Trung thu cổ truyền làng Báo Đáp chính là việc sử dụng giấy nhiễu - là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Về sau, các loại đèn sử dụng giấy bóng kính màu sắc để trang trí lồng đèn.

Những món đồ chơi Trung thu tuy giản dị nhưng chứa đựng những câu chuyện trở thành ký ức của thời tuổi thơ trong sáng, tươi vui. Việc phục chế các loại đèn Trung thu cổ truyền, Nhà nhiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đến các thế hệ đặc biệt là các bạn trẻ.

Cùng với các đồ chơi Trung thu, các loại đèn lồng truyền thống sẽ được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề Phố nghề thuộc nội dung trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội trong thời gian sắp tới.

Các loại đèn lồng truyền thống sẽ giới thiệu trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội

Tết Trung thu đã có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Tết Trung thu mang những đặc trưng riêng của văn minh lúa nước, của văn hóa Việt Nam. Từ những nghi thức, lễ vật, ẩm thực cho đến các trò chơi, đồ chơi truyền thống đều mang ý nghĩa, những ước vọng, khát khao tốt đẹp của người Việt.

 

Bài, ảnh: Lan Hương